Theo ghi nhận vào thời điểm hiện nay, một nửa số tàu buôn thường xuyên sử dụng Kênh đào Suez và Biển Đỏ để vận chuyển hàng hóa đã nâng cao cảnh giác khi đi vào khu vực nói trên do lo ngại các cuộc tấn công ngày càng gia tăng do lực lượng vũ trang Houthi tại Yemen thực hiện.
Công ty vận tải Flexport chỉ ra rằng 299 tàu chở dầu hiện đã thay đổi hướng đi hoặc có kế hoạch như vậy. Con số trên gấp đôi số lượng thống kê chỉ trong tuần trước, chiếm 18% đội tàu buôn của toàn thế giới.
Đồng thời hai tàu container và một tàu chở dầu hiện đang đi qua khu vực nóng bỏng và ghi nhận sự thiếu liên lạc với phía Israel. Trước đó, những con tàu này đã cập cảng Nga.
Lựa chọn thay thế duy nhất cho tuyến đường thương mại này là đi vòng quanh châu Phi, qua Mũi Hảo Vọng. Điều này sẽ dẫn đến giá hàng hóa gia tăng đáng kể do chi phí vận tải tăng vọt, bởi hải trình này mất nhiều thời gian hơn 25% so với việc đi qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Trong khi đó, Washington đã rút các tàu đổ bộ tấn công USS Bataan và USS Carter Hall khỏi Biển Đỏ, đưa chúng tới Địa Trung Hải.
Các quan chức của Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi cho biết hai chiến hạm trên sẽ cùng với chiếc USS Mesa Verde lớp San Antonio lập thành biên đội. Trên tàu đổ bộ là một tiểu đoàn viễn chinh của Thủy quân lục chiến.
Với động thái trên, an ninh tại Biển Đỏ sẽ càng xuống cấp hơn khi thiếu sự bảo vệ cần thiết. Trước tình hình trên, giới phân tích nhớ lại đề xuất của Nga đó là sử dụng Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) để thay thế lộ trình cũ qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Nếu Moskva sớm giải quyết được vấn đề cơ sở hạ tầng ven biển cũng như triển khai đủ số lượng tàu phá băng cần thiết để dẫn đường thì rõ ràng tương lai của NSR sẽ vô cùng xán lạn.
Nhưng đáng ngạc nhiên khi tình hình căng thẳng hiện tại rõ ràng không gây ảnh hưởng đến Nga, khi các tàu chở dầu của Moskva vẫn đều đặn đi qua "điểm nóng" của thương mại thế giới.
Theo dữ liệu từ hệ thống định vị tự động được theo dõi bởi những kênh giám sát hàng hải quốc tế, hiện tại 5 tàu chở dầu Nga đang đi qua Biển Đỏ hướng tới châu Á, chúng xuất phát từ các cảng bên bờ Biển Baltic và Biển Đen.
Trong vài ngày tới những con tàu nói trên sẽ tiến vào eo biển Bab el-Mandeb, nơi các tay súng Houthi tiến hành những vụ tấn công gần đây, khiến tàu thương mại phải tránh càng xa càng tốt.
Tuy nhiên các thủy thủ tàu chở dầu Nga rõ ràng không mảy may quan tâm tới tình hình trong khu vực, họ hoàn toàn không thay đổi lộ trình, dữ liệu định vị hàng hải cho thấy rõ điều này.
Chưa dừng lại đây, có tới 15 tàu chở dầu của Nga nữa đang chuẩn bị thực hiện hải trình tương tự, chúng đã được nạp đầy nhiên liệu và rời cảng nhưng vẫn ở vùng biển châu Âu, theo tọa độ điều hướng, mục tiêu của biên đội là Kênh đào Suez.
Ngoài ra còn có một đội tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga xuất phát từ cảng Primorsk, Vysotsk và Ust-Luga đến châu Á cũng không thay đổi lộ trình.
Như vậy hàng chục tàu chở dầu và khí, chưa kể hàng hóa khác của Nga đang đi qua biển Địa Trung Hải, lộ trình của họ sẽ băng qua Kênh đào Suez, sau đó vào Biển Đỏ và tiến qua eo biển nguy hiểm.