Kênh đầu tư nào sẽ 'hút' tiền trong giai đoạn cuối năm?

Chuyên gia dự báo, vàng đang kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua. Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư sẽ chọn kênh nào để đầu tư trong những tháng cuối năm?

Hiện tại, định giá thị trường đang ở mức P/E dự phóng 2022 là 12 lần. Trong khi tăng trưởng lợi nhuận trên một cổ phiếu được dự báo tăng trưởng ở mức 25%, nghĩa là hệ số P/E trên mức tăng trưởng chỉ ở mức 0,5 lần – Đây là mức định giá có thể nói là thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua.

Chứng khoán vẫn là lựa chọn số 1?

“Trong thời gian tới, chứng khoán là kênh nhà đầu tư nên chú trọng”, ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng Phòng Phân tích chiến lược Danh mục đầu tư Chứng khoán Pinetree khuyến nghị.

Dự báo vàng sẽ còn giảm, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó nhà đầu tư nên chú ý tới kênh đầu tư chứng khoán. (Ảnh: Int)

Dự báo vàng sẽ còn giảm, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó nhà đầu tư nên chú ý tới kênh đầu tư chứng khoán. (Ảnh: Int)

Ông Thành phân tích, nếu như trong giai đoạn 2020 – 2021, diễn biến thị trường được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư F0, nhưng lớp đầu tư này lại đem đến đặc tính cho thị trường là “tăng nhanh giảm sốc” theo các thông tin tốt xấu, tạo nên biên độ dao động rất lớn và chỉ tập trung vào cổ phiếu tăng trưởng. Điều này trái với thị trường chứng khoán (TTCK) ở các nước phát triển, khi nhà đầu tư tổ chức chiếm đa số.

Tuy nhiên, sang năm 2022, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng lãi suất, giai đoạn "tiền rẻ" dần kết thúc khiến TTCK trong nước điều chỉnh mạnh và xu hướng trên bị đảo ngược và nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là lực lượng “điều tiết” thị trường. Điều này thể hiện ở việc thanh khoản thời gian qua giảm nhưng biên độ cũng giảm theo và ổn định hơn.

"Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những nhà đầu tư lâu đời và sẽ đem đến sự ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam, ít nhất là từ nay đến cuối năm", ông Thành đánh giá.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc đưa giao dịch T+3 xuống T+2, dự kiến giao dịch lô lẻ trong tháng 9… cũng hỗ trợ cải thiện thanh khoản, giúp thị trường sôi động hơn.

“Đây là tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0, đáp ứng được một trong những tiêu chí nâng hạng thị trường của MSCI”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nói.

Chuyên gia của Chứng khoán Maybank cho rằng, với việc Việt Nam tiếp tục vươn lên vị thế thị trường mới nổi, kỳ vọng tổng khối lượng giao dịch của TTCK Việt Nam sẽ tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan. TTCK Việt có dư địa tăng trưởng đáng kể khi giá trị giao dịch chỉ đạt 1 tỷ USD mỗi ngày (so với Thái Lan khoảng 3 tỷ USD).

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được lạm phát và đủ dư địa chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định nền kinh tế. Theo thống kê, nếu lạm phát có vượt mục tiêu 4% của Chính phủ nhưng dưới ngưỡng 10% thì TTCK vẫn được coi là kênh đầu tư tiềm năng.

Thực tế cho thấy, TTCK hiện đang bước vào nhịp phục hồi và phân hóa dựa trên niềm tin lạm phát đã đạt đỉnh và Fed tới gần hơn với đỉnh chu kỳ tăng lãi suất. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng những thông tin về điều chỉnh lãi suất đều đã phản ảnh vào diễn biến thị trường 6 tháng vừa qua. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng bức tranh tươi sáng hơn trong nửa cuối năm.

“Trong trường hợp thị trường có sự điều chỉnh, đa phần các nhóm cổ phiếu sẽ không giảm nữa, hoặc chỉ giảm nhẹ”, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nhận định.

Mặc dù còn nhiều lo lắng về việc nền kinh tế bước vào ngưỡng cửa suy thoái, nhưng ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu tư IPAAM cho rằng, suy thoái không phải quá quan ngại. Đơn cử như đợt suy thoái thời gian ngắn như Covid, kênh đầu tư cổ phiếu hay trái phiếu vẫn tăng mạnh. Nếu như suy thoái không quá sâu và mạnh, kênh đầu tư tài chính lại là điểm tốt.

Bởi kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong quý II tiếp tục giúp TTCK Việt Nam duy trì nền định giá thấp. Đồng thời, sự ổn định của các cân đối vĩ mô trong nước sẽ giúp kinh tế trong nước, dù có độ mở rất lớn, sẽ chống chọi tốt và sớm vượt qua ảnh hưởng của một đợt suy thoái kinh tế thế giới có thể tới vào cuối năm nay và đầu năm sau. TTCK luôn đi trước và suy thoái xảy ra đồng thời sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư rất hấp dẫn cho một chu kỳ mới.

Có sự phân hóa trong các nhóm cổ phiếu

Mặc dù quan điểm của các chuyên gia hầu hết đều tích cực về TTCK nhưng do tiền không còn “rẻ”, lãi suất đã tăng, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang kênh khác như tiết kiệm hoặc dịch chuyển vào sản xuất… Do đó, không có chuyện tất cả các cổ phiếu cùng lên, cùng xuống như giai đoạn 2020 – 2021. Thay vào đó, TTCK sẽ đi vào giai đoạn phân hóa nhiều hơn. Vì vậy, nhà đầu tư nên nhìn vào từng nhóm cổ phiếu riêng biệt.

"Khi thị trường đi xuống, tạo đáy và bắt đầu đi lên, các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh thông thường và bị chiết khấu giảm giá nhiều nhất từ đỉnh sẽ là nhóm cổ phiếu bật tăng mạnh. Chỉ cần có hoạt động kinh doanh thực chứ không phải cổ phiếu giấy, càng giảm mạnh sẽ càng hấp dẫn khi thị trường hồi phục", CEO Passion Investment chia sẻ.

Thực tế, xét theo định giá, PE hay PB đã cho thấy sự phân hóa mạnh trong các nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, PE và PB hiện nay đã về mức hấp dẫn, thậm chí tương tự năm 2019. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mặc dù TTCK đã điều chỉnh mạnh thời gian qua nhưng các chỉ số định giá vẫn còn cao.

Theo chuyên gia của Chứng khoán Pinetree, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) sẽ là một nhóm ngành còn dư địa lớn trong thời gian tới. Bởi thị trường BĐS KCN đang có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Hiện nay, ở những khu tập trung nhiều doanh nghiệp FDI như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh... quỹ đất không còn nhiều. Cho nên, dù giá có tăng lên cũng không có sẵn, so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá cho thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn rẻ, trong khi nguồn lao động của Việt Nam vẫn dồi dào.

Hơn nữa, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công, phát triển logistic trong dài hạn. Đây sẽ là chất xúc tác để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên chú ý tới nhóm nhóm ngành có khả năng phòng thủ trước lạm phát tăng cao. Trong đó, cổ phiếu điện, đặc biệt là ngành thủy điện, bởi năm nay, đầu vào các công ty điện than, điện khí đều tăng mạnh. Vì vậy, thủy điện với giá thành ổn định sẽ huy động được nhiều hơn, từ đó doanh thu, lợi nhuận có thể tăng.

"Những cổ phiếu có bảng cân đối kế toán tốt, tài chính tốt, có tiềm năng kinh doanh, có khả năng tự vệ trước lạm phát là những điểm đến cho dòng tiền thông minh thời gian tiếp theo", ông Thành lưu ý.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm ngành được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi nhận định đây sẽ là nhóm dẫn dắt TTCK cuối năm bởi dư địa tốt hơn, bền vững hơn nhóm khác. Theo đó, Thứ nhất, tập trung ngân hàng còn room tín dụng, xử lý tốt quá trình tái cơ cấu nợ xấu. Thứ hai là câu chuyện sáp nhập ngân hàng, mua lại từ VAMC. Thứ ba là những ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel II được ưu tiên mở room tín dụng trong thời gian tới.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/kenh-dau-tu-nao-se-hut-tien-trong-giai-doan-cuoi-nam-1087670.html