Kênh, rạch TP HCM kêu cứu: Lửng lơ trách nhiệm
Những hệ lụy nặng nề của tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch đã ngay trước mắt nhưng các vi phạm vẫn phổ biến, dai dẳng; trách nhiệm quản lý lửng lơ, thiếu chế tài
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP dù giảm đáng kể nhưng không ít trường hợp vi phạm vẫn tồn tại.
Vi phạm nhiều năm
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy mà sở quản lý không phát sinh tình trạng lấn chiếm. Tuy nhiên, hiện còn 64 trường hợp tồn đọng, gồm 34 vụ lấn sông, còn lại là vi phạm hành lang bảo vệ bờ. Địa bàn có tình trạng lấn chiếm nhiều nhất được "điểm mặt" là huyện Củ Chi, khi hiện còn tới 23 trường hợp, kế đến là các quận 9, Bình Thạnh, quận 2, 7... Tại nhiều địa phương, phần lớn các trường hợp lấn chiếm tồn đọng là những hộ dân nhỏ lẻ, tuy nhiên cũng không ít tổ chức, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, qua số liệu thống kê cho thấy hàng loạt trường hợp tồn đọng kéo dài, thậm chí có những công trình đã "ung dung" suốt 12 năm chưa được giải quyết. Đơn cử, tại quận 8, Công ty Tấn Hưng xây kè, trụ điện, vỉ sắt không phép với chiều dài hơn 400 m trên tuyến sông Chợ Đệm, đoạn gần cầu Bình Điền. Tại quận 9, hộ bà Bùi Thị Thanh Vân san lấp mặt bằng, lấp nhánh rạch Bà Cua (phường Phú Hữu). Ngoài ra, hàng loạt trường hợp vi phạm khác cũng tồn tại nhiều năm như Công ty Phúc Kiến Khang xây kè tại khu đất dọc sông Sài Gòn (phường Thảo Điền, quận 2), tồn đọng từ năm 2012; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Thuận lấn rạch Tư Dinh dài khoảng 80 m, lấn sông từ 2-4 m đoạn gần cầu Tư Dinh (phường Tân Phong, quận 7), tồn đọng từ năm 2014...
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP, nhìn nhận tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP diễn ra phổ biến nhiều năm gây nhiều hệ lụy: làm thu hẹp và biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường, ngập nước; việc san lấp, xây dựng lấn chiếm làm gia tăng tải trọng ven bờ, tạo áp lực cao nên là một nguyên nhân gây ra sạt lở. "Chưa kể, việc lấn chiếm hành lang ven bờ còn gây khó khăn trong việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ mục đích công cộng, cấp thoát nước, PCCC..." - ông Sơn nói.
Phải quy trách nhiệm cụ thể
Theo ông Hà Thanh Sơn, nhiều năm qua, Sở GTVT TP liên tục tổ chức lực lượng kiểm tra và hỗ trợ UBND các quận, huyện trên địa bàn TP phát hiện, xử lý tình trạng lấn chiếm. Hầu hết các trường hợp vi phạm ở các tuyến thuộc chức năng quản lý của Sở GTVT đều được Khu Quản lý đường thủy nội địa phát hiện và thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương để phối hợp xử lý, cưỡng chế. Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
"Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là sự gia tăng nhu cầu nhà ở, trong khi không ít trường hợp không nhận thức đúng các quy định trong xây dựng công trình thuộc phạm vi hành lang bờ sông, kênh, rạch. Việc này dẫn đến tình trạng cải tạo, sửa chữa và xây dựng sai phép" - ông Sơn nhận định.
Một lãnh đạo UBND quận cho rằng muốn giải quyết tình trạng lấn chiếm phải coi lại nguồn gốc nhà, đất, xây dựng nhà cửa, công trình vào thời điểm nào, có thể đền bù hay không? "Các địa phương cũng có động thái giải quyết ít nhiều nhưng chuyển biến còn chậm do cần có thời gian để rà soát, xem xét cơ sở pháp lý..." - vị này nói.
Trong khi đó, GS-TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nhấn mạnh cần quy trách nhiệm cụ thể cho tình trạng lấn chiếm, xâm hại kênh, rạch. "Nhiều con kênh bị xâm hại một cách thô bạo, biến kênh, rạch thành cống hộp, bịt kín toàn bộ, cho nước chảy ngầm phía dưới, ở trên làm công trình xây dựng, đường đi... Cần phải trả toàn bộ chức năng kênh, rạch đúng với ý nghĩa ban đầu của nó. Không thể lấy lý do cải thiện không được môi trường nên cống hóa. Muốn đô thị phát triển bền vững phải có những giải pháp lâu dài" - ông Tứ nêu.
Nhận định tình trạng kênh, rạch bị "bức tử" hoàn toàn do yếu tố con người, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhấn mạnh: "Có trách nhiệm của người dân nhưng vai trò cơ quan quản lý nhà nước rất lớn. Nhiều văn bản ban hành hướng dẫn về việc quy hoạch kênh, rạch, sông nhưng giao trách nhiệm thì lửng lơ, không rõ ràng, thiếu cả chế tài. Lãnh đạo TP đã nhiều lần ra chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện phải giải quyết dứt điểm, triệt để các vụ lấn chiếm kênh, rạch và chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu không hoàn thành nhiệm vụ, vậy thì phải xử lý ngay thôi. Cứ để tình trạng như thế này thì hậu quả con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu".
Chờ giải pháp "dài hơi"
Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy quy hoạch diện tích cống thoát nước của TP dài khoảng 6.000 km, tuy nhiên hiện nay chỉ đáp ứng hơn một nửa. Hơn 20 năm qua, TP đã giải tỏa hơn 36.000 căn nhà ven kênh và giải pháp trước mắt là tiếp tục giao các quận, huyện chủ động thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, giải tỏa và bố trí tái định cư cho hơn 21.000 căn nhà còn lại. Đây được xem là giải pháp "dài hơi" trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch.