Kênh YouTube đăng nội dung xuyên tạc về Làng Nủ sẽ bị xử lý ra sao?
Liên quan đến việc kênh YouTube 'Những bài học nhỏ' đăng video 'câu view' từ mất mát của người dân Làng Nủ, theo các chuyên gia, ngoài xử lý vi phạm hành chính, chủ kênh này còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Câu view" từ nỗi đau của xã hội
Mới đây, vào tối 16/9, "Những bài học nhỏ" (user:@nhungbaihocnho709) - kênh YouTube thường đăng tải những đoạn phim hoạt hình về bài học cuộc sống nhằm giáo dục trẻ em, với hơn 324.000 người theo dõi, bất ngờ đăng một video có tiêu đề "Quả báo - Truyện cổ tích - Những bài học nhỏ - Quà tặng cuộc sống".
Đáng nói, ở ảnh đại diện của video (thumbnail trên YouTube), nơi hiển thị hình ảnh xem trước, kênh này lại đính kèm tiêu đề "Quả báo Làng Nủ Lào Cai".
Ngoài ra, có lẽ cho rằng, thumbnail chưa đủ gây chú ý, chủ kênh này còn thêm bình luận và ghim lên đầu trang: "Các bạn có xem vụ quả báo ăn trăn ở Làng Nủ không?".
Ngay lập tức, dư luận xã hội đã lên án và bức xúc cho rằng, việc đặt tiêu đề có từ khóa nhạy cảm trên là hành động "câu view", "câu like", thu hút tương tác bất chấp.
Trước chỉ trích gay gắt từ cộng đồng, chủ kênh YouTube "Những bài học nhỏ" sau đó đã ẩn IP video ở Việt Nam và thay đổi tiêu đề từ "Quả báo" thành "Hổ vào làng", đồng thời cắt bớt một phút đầu video và thay đổi thumbnail.
Tuy nhiên, liên kết và hashtag vẫn không thay đổi. Đến sáng 17/9, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, kênh YouTube này hiện đã khóa.
Mặc dù đã khóa kênh, một số từ khóa nhạy cảm kênh từng gắn ở hashtag như: "Làng Nủ", "quả báo", "lũ quét", "thần chết", "tìm xác người",... cache (bộ nhớ đệm chứa dữ liệu) của kênh YouTube vẫn lưu lại và bị người dùng phát hiện.
Cùng ngày, PV đã liên hệ với đại diện của kênh YouTube "Những bài học nhỏ", Công ty Sunrise Media, nhưng không liên lạc được.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Câu view, xuyên tạc sự thật, xúc phạm cá nhân hay cơ quan, tổ chức không chỉ là hành vi cần lên án. Hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ngày 18/9, trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM, căn cứ theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022), hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin giả mạo, xuyên tạc, hoặc xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức và cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngoài xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm cũng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015 và các nghị định liên quan.
Căn cứ quy định Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (thay thế một số điểm bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người nào bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy mức độ nghiêm trọng.
Sau bão lũ, Làng Nủ phải chịu nhiều mất mát, tổn thương. Đây không chỉ là nỗi đau của Làng Nủ, mà là của cả xã hội. Vậy nhưng, một kênh YouTube có nội dung sáng tạo giáo dục trẻ em, lại có hành vi kiếm tiền bất chấp, là cần phải lên án.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu, giảng viên tâm lý học Trường Đại học Văn Lang, việc sử dụng từ khóa "Làng Nủ" trong tiêu đề video về giáo dục trẻ em khi không có sự liên hệ nào đến sự kiện cùng tên, không chỉ là hành động nhạy cảm, mà còn có thể gây ra hiểu lầm và tổn thương cho những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Sự phản ứng từ dư luận cho thấy rằng, cộng đồng ngày càng trở nên nhạy cảm với việc lạm dụng các sự kiện đau thương hoặc nhạy cảm để thu hút sự chú ý. Điều này ,nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm và cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn lựa tiêu đề và sản phẩm của mình.
Việc kênh YouTube này quyết định thay đổi ảnh đại diện và ẩn video sau phản ứng của cộng đồng, cũng phản ánh sự nhận thức về phản hồi và áp lực từ xã hội. Mặc dù, động thái này có thể đã quá muộn để khôi phục uy tín và niềm tin của công chúng.
Chuyên gia chia sẻ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu chia sẻ, trong bối cảnh, các hoạt động cứu trợ khẩn cấp vẫn đang được người dân và các ngành chức năng đồng lòng triển khai, nhằm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng, những thông tin tương tự cần được truyền tải một cách chính xác, tránh lợi dụng các sự kiện đau thương để thu hút sự chú ý không đáng có.
Sự tôn trọng cũng như đồng cảm là rất quan trọng, nhất là trong việc xử lý và phục hồi tổn thương.
Chị Huỳnh Ngọc Nhiên (SN 1969, trú tại quận Tân Phú, Tp.HCM), một người mẹ có con thường xuyên xem các nội dung trên kênh "Những bài học nhỏ" hoang mang: "Cháu nhà mình sắp vào tiểu học, vợ chồng bận rộn nên chủ yếu cho con giải trí qua điện thoại. Mình cũng từng xem qua một số video của kênh này, chủ yếu thấy câu chuyện cũng bình thường, có thông điệp rõ ràng, cháu nhà cũng thích nên đã đăng ký và bật thông báo. Mới đây, thấy mọi người chia sẻ câu chuyện trên mạng, vợ chồng mình mới tả hỏa và quyết định hủy theo dõi".
Cũng theo chị Nhiên, may mắn là con chưa xem qua nội dung phản cảm về "Làng Nủ". Vốn đang cùng con vận động quyên góp, hỗ trợ nhu yếu phẩm tập kết ra Bắc cho bà con miền Bắc cần được hỗ trợ, chị rất sợ những nội dung tiêu cực, định hướng con trẻ đến suy nghĩ sai lệch về đồng bào đang gặp khó khăn vì thiên tai.