Kéo co - Môn thể thao dân gian

Kéo co được biết đến như một trò chơi dân gian truyền thống, thường có mặt trong các lễ hội, sự kiện sinh hoạt cộng đồng thu hút nhiều người tham gia. Đây là trò chơi hấp dẫn, không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện thể chất, mà còn giúp nhấn mạnh bài học về giá trị của mỗi cá nhân trong tập thể và sự gắn kết để tạo nên sức mạnh đoàn kết của một tập thể hoặc cả cộng đồng.

Kéo co được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa lâu đời. Trong các lễ hội, kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất. Kéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và địa điểm thi đấu rất đơn giản. Một cuộc kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ cùng nắm chắc vào một sợi dây thừng dài, điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt 2 tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì giành phần thắng.

Ông Nguyễn Văn Giang (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Kéo co là môn thể thao tập thể, nên tư thế đứng của các thành viên rất quan trọng. Người chơi vừa phải đứng vững, nhưng phải đảm bảo chân di chuyển linh hoạt khi tiến, lùi. Trong quá trình kéo co, chân không được nhấc cao để không bị mất đà, kéo theo ảnh hưởng đến toàn đội”. Tương tự, anh Trần Quốc Dũng (huyện Phú Tân) cho biết: “Muốn đội kéo co mạnh thì thể lực mỗi cá nhân phải khỏe, có sự phối hợp ăn ý, kéo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, người chơi phải đứng tư thế ban đầu chân mở rộng bằng vai, đứng cách nhau vừa phải, độ nghiêng khi kéo sao cho nội lực tăng lên. Việc lựa chọn người đứng đầu dây của đội chơi phải là người có sức khỏe tốt, dẻo dai. Đồng thời, người đứng cuối hàng phải ghìm dây thật chắc chắn cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các đồng đội mới có hy vọng giành được chiến thắng”.

Với thể thức thi đấu đơn giản, không tốn kém, kéo co thường được các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức trong các sự kiện văn hóa, thể thao lớn thu hút đông đảo người dân tham gia như hội làng, ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống ở địa phương, các kỳ đại hội thể dục - thể thao các cấp trong tỉnh. Tùy thuộc vào các đội tham gia kéo co là nam hoặc nữ, hoặc cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, môn kéo co được các trường học trong tỉnh lựa chọn tổ chức cho học sinh vui chơi trong các ngày chào mừng kỷ niệm, các kỳ Hội khỏe Phù Đổng. Kéo co không đơn giản là môn thể thao vui chơi, mà còn giúp học sinh có thời gian giải trí hữu ích sau những giờ học căng thẳng, rèn luyện tính tập thể... Em Lê Minh Trung (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Kéo co tuy có mệt nhưng rất vui. Kéo co còn giúp em và các bạn trong lớp đoàn kết, gắn bó nhiều hơn. Chúng em rất thích kéo co và đăng ký tham gia trò chơi này mỗi khi nhà trường tổ chức”.

Khi môn kéo co diễn ra, không khí sẽ trở nên vô cùng náo nhiệt. Từ những người trực tiếp kéo co đến những người phục vụ đội kéo co và cả người dân đến dự, đều náo nức tham gia, cổ vũ vô tư, không mang tâm lý thắng thua. Ông Nguyễn Văn Út (huyện Châu Phú) cho biết, kéo co là môn thể thao quen thuộc của người dân mỗi dịp lễ, tết hay sự kiện do địa phương tổ chức. Mỗi khi các trận kéo co được tổ chức, không khí trở nên náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của mọi người. “Đây là môn thể thao mang tính đồng đội, thể hiện được sức mạnh đoàn kết của những người chơi. So với các môn khác, kéo co luôn có sức hấp dẫn riêng. Dù là một trò chơi mang tính cạnh tranh, nhưng kéo co không đặt nặng vấn đề thắng thua, mà quan trọng là tinh thần đoàn kết, niềm vui và gắn kết cộng đồng”- ông Út chia sẻ.

THANH THANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/keo-co-mon-the-thao-dan-gian-a418083.html