Kéo co - Môn thể thao truyền thống trong dịp lễ hội
Cũng như các môn: đẩy gậy, bi sắt, cờ ốc... kéo co là một trong những môn thể thao dân gian lâu đời. Đặc biệt trong những năm qua, môn thể thao này được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như nhiều địa phương, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức trong dịp lễ hội của đồng bào Khmer và các sự kiện văn hóa - thể thao ở cấp cơ sở, thu hút đông đảo nhiều người tham gia tranh tài.
Mỗi khi vào dịp lễ hội cầu an, hay tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tại xóm tôi, bà con thường tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian tập thể, từ môn nhảy dây, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu, bịt mắt giấu khăn đến môn kéo co tập thể, nhằm tạo không khí của ngày lễ thêm vui và sôi động. Đây là môn thể thao dân dã được hình thành từ rất lâu, thể hiện tính tập thể, tinh thần đoàn kết của các vận động viên (VĐV). Việc tổ chức không tốn kém, luật chơi đơn giản nên mỗi khi diễn ra, kéo co thường rất sôi nổi, hấp dẫn. Không phân biệt nam hay nữ, ai có sức khỏe tốt đều có thể được tham gia thi đấu. Đội nào thua thì cử đại diện lên ca hát các bài rom-wong, sa-ra-vanh, còn các anh, chị em đội thắng thì cùng múa vui với các thành viên đội thua.
Chị Liêu Thị Suôl, ở Phường 2, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tham gia nhiều năm chia sẻ: “Với môn kéo co, bản thân tôi tham gia từ khi chưa lập gia đình. Giờ tôi năm nay ngoài 50 rồi nhưng cứ vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây, bà con trong xóm tổ chức kéo co, tôi đều tham gia thi đấu cùng với các anh, chị em vui lắm. Môn thể thao này không phân biệt tuổi tác, đội thắng cũng múa, mà đội thua cùng múa vui”.
Các trận đấu môn kéo co thường được diễn ra trên nền sân bêtông hoặc khoảng đất trống, dụng cụ chỉ là một sợi dây thừng được buộc bằng khăn đỏ, trên mặt đất được đánh dấu vạch vôi trắng. Trong thi đấu, khi đội nào kéo được đội đối phương vượt quá vạch vôi thì đội đó giành chiến thắng.
Có mặt tại Giải kéo co Đại hội Thể dục thể thao huyện Trần Đề lần thứ IX, năm 2022, chị Lý Thị Duyên, ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) kể: “Năm nào địa phương có tổ chức môn kéo co, tôi đều tham gia, từ giải ở hội thao cơ sở, tỉnh đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tôi còn nhớ, hồi đó tham gia chơi môn kéo co chỉ vì muốn có sức khỏe và có dịp thi đấu giao lưu với nhau cho vui, ai ngờ được chọn vào đội tuyển nữ của tỉnh tham gia giải kéo co trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ được 2 lần. Lần đầu tiên tại quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) và lần thứ 2 tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang). Còn năm nay, tôi tham gia cho đội xã thi đấu tại giải Đại hội Thể dục thể thao huyện Trần Đề, thấy rất vui”.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều VĐV môn kéo co, cách thức thi đấu ở trong xóm ấp mang tính tự do, mỗi người tham gia có một kiểu cách cầm dây khác nhau, khi trọng tài báo hiệu thì đôi bên chỉ dồn sức kéo để giành chiến thắng. Tuy nhiên, khi tham gia giải do các ngành tổ chức thì áp dụng đúng theo luật thi đấu. Tư thế đứng và cầm dây là những yếu tố rất quan trọng, bởi người chơi vừa phải đứng vững chắc, vừa phải bảo đảm chân di chuyển linh hoạt khi tiến, lùi. Trong quá trình thi đấu, chân không được nhấc cao để không bị mất đà. Khi cầm dây, hai tay phải úp vào nhau, co duỗi nhịp nhàng. Để tạo sức mạnh, khi kéo, các thành viên trong đội phải để sợi dây bên phải người và luồn dưới nách, bàn tay phải nằm dưới sợi dây, lòng bàn tay hướng lên trên, bàn tay trái cũng nắm chặt sợi dây và đặt trước bàn tay phải. Khi sắp xếp đội hình thi đấu, thường bố trí người thấp đứng trước, người cao đứng sau để sợi dây tạo thành một hàng thẳng giúp tập trung lực của cả đội. Những vị trí đầu tiên luôn đòi hỏi là người có sức khỏe và trụ vững nhất, bởi khi gặp các đối thủ mạnh, ngay những pha giật đầu tiên, cả đội có thể sẽ bị kéo đổ. Vị trí cuối cùng vừa có vai trò là một vai trụ, vừa quan sát để điều chỉnh đội hình. Tùy theo từng thời điểm mà kéo căng hay chùng xuống, tuy nhiên khi kéo phải ngả người về phía sau kết hợp di chuyển bước chân để lực căng dây.
Ông Huỳnh Hồng là một trọng tài lâu năm của Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh cho biết: “Môn kéo co có tính chất đối kháng, chơi giằng co, nhưng chỉ kéo thời gian vài phút là xác định đội thắng cuộc. Người làm trọng tài có nhiệm vụ quan sát đôi bên và sự hỗ trợ của các trọng tài phụ để thuận tiện theo dõi, nếu các thành viên trong đội vi phạm luật thi đấu thì xử lý đội đó thua cuộc. Nhờ thể thức thi đấu đơn giản, kéo co thường được các địa phương tổ chức trong các sự kiện văn hóa, lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Tại đại hội thể dục thể thao các cấp trong tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đưa môn kéo co vào thi đấu. Tùy thuộc vào lực lượng, các đội tham gia kéo co là nam hoặc nữ, hoặc cả nam lẫn nữ. Chính vì vậy, môn kéo co đã mang lại niềm vui cho mọi người vào các sự kiện văn hóa, lễ hội”.