Kéo dài khung 'giờ vàng' điều trị đột quỵ
Tiến bộ trong điều trị đột quỵ
* Việc kéo dài thời gian điều trị đột quỵ có ý nghĩa như thế nào với bác sĩ và người bệnh, thưa ông?
- Trong năm 2023, Hội Đột quỵ thế giới có 2 cập nhật rất quan trọng liên quan đến khái niệm “cửa sổ thời gian” và “mức độ nặng của đột quỵ”. Nếu như trước năm 2023 bệnh nhân đột quỵ phải đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ trong giờ vàng (tối đa là 8 giờ, tốt nhất là 3 giờ) mới điều trị được thì nay giờ vàng đã được kéo dài đến 24 giờ. Trước đây, các trung tâm/đơn vị đột quỵ chỉ điều trị những ca đột quỵ nhẹ hoặc vừa, còn nặng quá thì không điều trị được, nhưng với cập nhật mới cho phép cơ sở y tế điều trị cả với những bệnh nhân nặng. Tức là “cửa sổ thời gian” và “mức độ điều trị” đã được mở rộng, cho phép bác sĩ “mạnh tay hơn”.
Tuy nhiên, những trường hợp đột quỵ nặng có tỷ lệ tàn phế và tử vong cao. Do đó, trước khi điều trị, bác sĩ phải trao đổi, giải thích rõ tiên lượng, kết cục cho gia đình bệnh nhân biết vì thời gian chăm sóc sau đột quỵ rất dài, tốn nhiều kinh phí; nếu gia đình bệnh nhân không đáp ứng được thì bệnh nhân sẽ tử vong liên quan đến biến chứng và tàn phế.
Đồng Nai hiện có 5 đơn vị tiếp nhận cấp cứu, điều trị đột quỵ gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán và Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai.
* Lý do gì khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa, thưa ông?
- Đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa trên toàn thế giới. Đột quỵ được xem là hậu quả cuối cùng của những bệnh lý mạn tính như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid… mà trước đó bệnh nhân mắc phải. Nếu bệnh nhân không kiểm soát được các bệnh lý trên sẽ rất dễ bị đột quỵ.
Không những thế, có những bệnh nhân còn rất trẻ cũng bị đột quỵ, trong đó có những trường hợp có yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tim mạch; nhưng cũng có những trường hợp không có yếu tố nguy cơ là các bệnh lý mạn tính. Nguyên nhân được xác định thường liên quan đến lối sống của giới trẻ hiện nay như hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện…
* Với số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng thì số lượng các trung tâm/đơn vị điều trị đột quỵ trên cả nước đáp ứng ra sao?
- Năm 2006, Việt Nam có trung tâm điều trị đột quỵ đầu tiên của Bệnh viện 115. Đến nay, sau 17 năm, cả nước đã có hơn 100 trung tâm đột quỵ. Đây là nỗ lực rất lớn để phát triển mạng lưới và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế điều trị đột quỵ. Bởi lẽ, thời gian đầu, việc thuyết phục giám đốc các bệnh viện tỉnh thành lập đơn vị điều trị đột quỵ không phải dễ, vì các bệnh viện chưa có nhân lực, máy móc.
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200 ngàn bệnh nhân đột quỵ, chia cho 100 trung tâm, tính ra mỗi trung tâm phải điều trị 2 ngàn ca đột quỵ mỗi năm. Như vậy, bắt buộc phải tăng thêm khoảng 100 trung tâm điều trị đột quỵ trong cả nước nữa để mỗi trung tâm tiếp nhận, điều trị từ 500-1.000 bệnh nhân/năm.
Đồng Nai điều trị đột quỵ thuộc tốp đầu cả nước
* Ông đánh giá như thế nào về công tác điều trị đột quỵ tại Đồng Nai?
- Trong số các tỉnh, thành trên cả nước, Đồng Nai được đánh giá rất cao về mảng điều trị đột quỵ, cấp cứu đột quỵ. Dựa trên các con số bệnh nhân được điều trị đột quỵ hàng năm cho thấy Đồng Nai đang đứng trong tốp đầu cả nước về điều trị đột quỵ. Chỉ có một số bệnh viện ở TP.HCM và Hà Nội mới có thể so sánh được số lượng bệnh nhân điều trị đột quỵ ở Đồng Nai, còn các địa phương khác chưa thể so sánh được.
- Tôi cho rằng, máy móc thiết bị chỉ là một phần rất nhỏ, con người mới là quan trọng. Điều trị đột quỵ không cần quá nhiều phương tiện nhưng cần nhất là con người có kiến thức, am hiểu, có sự nỗ lực. Bởi khác với điều trị các bệnh lý khác, bác sĩ điều trị đột quỵ phải luôn trong tư thế sẵn sàng, có mặt nhanh nhất khi bệnh nhân cần. Nếu bác sĩ không trách nhiệm, không nỗ lực thì không làm được và rất dễ bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị đột quỵ.
Đặc biệt, rất cần sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo bệnh viện. Để một bệnh nhân lúc vào bệnh viện ngồi trên xe lăn, trên băng ca nhưng khi ra bệnh viện có thể đi lại được cần có sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể, của nhiều khoa, phòng khác nhau. Lãnh đạo bệnh viện phải có tầm nhìn, phải kết nối được nhân sự của các khoa, phòng liên quan, đề ra được quy trình cấp cứu, điều trị đột quỵ để tất cả đều sẵn sàng, trách nhiệm tham gia điều trị. Có như vậy, điều trị đột quỵ mới thành công và người bệnh mới là người thực sự được hưởng lợi.
* Việc đạt được danh hiệu Vàng, Bạch kim hay Kim cương có ý nghĩa như thế nào trong điều trị đột quỵ?
- Mục tiêu của Hội Đột quỵ thế giới khi đưa ra các danh hiệu cho các đơn vị điều trị đột quỵ không phải để so sánh đơn vị này hơn đơn vị kia, mà để các đơn vị tự cố gắng để hoàn thiện mình, để tốt hơn mỗi ngày. Tức là các đơn vị cần không ngừng nỗ lực, không tự bằng lòng với những gì đã đạt được, tất cả vì lợi ích của người bệnh.
* Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)