Kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02, sẽ có nhiều kịch bản

Một trong những nội dung được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là việc xem xét một số văn bản lĩnh vực ngân hàng, trong đó có Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn, hoãn nợ. Theo đó, diễn biến thực tế của thị trường tiền tệ trong giai đoạn đầu năm 2024 sẽ có ý nghĩa quan trọng cho những kịch bản sắp tới liên quan đến việc có kéo dài thời hạn văn bản này hay không.

Theo Thông tư, các ngân hàng được chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Ảnh: TL

Theo Thông tư, các ngân hàng được chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Ảnh: TL

Một trong những văn bản trong “tầm ngắm”

Theo các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Thông tư 02 là một trong những văn bản được lãnh đạo Chính phủ quan tâm yêu cầu NHNN rà soát xem xét cần thiết có thể chỉnh sửa, hoặc gia hạn để phù hợp thực tế. Đây là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Tại Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 4/10/2023, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện một số văn bản do cơ quan này ban hành, trong đó có Thông tư 02 để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, Thủ tướng cũng giao cho NHNN theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02 và một số văn bản, quy định khác để chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định.

Mục đích việc đánh giá, rà soát này cũng để nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu chung là ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của pháp luật.

Thông tư 02 được NHNN ban hành tháng 4/2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo NHNN, các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ động cho các ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Sẽ điều chỉnh theo tình hình cụ thể

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các ngân hàng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư 02 là thời hạn thực hiện văn bản này. Theo đó, Thông tư quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Như vậy, việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02 sẽ chấm dứt sau 30/6/2024 nếu như trước thời hạn đó, NHNN không có văn bản mới nào cho phép kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 02 hoặc có Thông tư mới sửa đổi, thay thế với quy định giãn, hoãn nợ mới được tiếp tục thực hiện sau ngày 30/6/2024.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước 3 tháng Thông tư hết hiệu lực, nếu thấy cần thiết, NHNN sẽ xem xét gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Đầu năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng đáp ứng nhu cầu hợp pháp về vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.

Các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng

Theo bà Hà Thu Giang, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/keo-dai-thoi-gian-gian-hoan-no-theo-thong-tu-02-se-co-nhieu-kich-ban-143492-143492.html