Kéo giảm ô nhiễm nhựa: Cần thu hẹp 'khoảng trống' chính sách và thực thi
Trong hơn hai thập kỷ qua, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, luôn được chính phủ chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, dư luận cho rằng vẫn còn một 'khoảng trống' lớn giữa những quy định hiện hành và việc thực thi pháp luật trên thực tế, khiến công tác giảm ô nhiễm nhựa gặp nhiều khó khăn.
Đã có hành lang pháp lý, nhưng…
Tại Hội thảo “Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) tổ chức (28/2), đại diện của cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chuyên gia đã nêu ra nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi luật, những khoảng trống trong các chính sách về nhựa và tái chế nhựa.
Bà Kim Thị Thúy Ngọc, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết, kể từ năm 1998, Chính phủ đã ban hành những chính sách, quy định liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Có thể kể tới Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng.
Cho đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này liên tục được hoàn thiện, những quy định về quản lý chất thải nhựa ngày càng tăng lên và được cụ thể hóa theo hướng giảm thiểu nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng, tái chế nhựa, nâng cao các tiêu chí môi trường, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, sau khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 được thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý rác thải nhựa, đẩy lùi ô nhiễm nhựa. Đơn cử như Nghị định 08/2022/NĐ-CP; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những động thái đó cho thấy quan điểm sát sao và tầm nhìn của Chính phủ trong việc xác định ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn nạn quốc gia, cần sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền Trung ương tới địa phương, cùng với tất cả các bên liên quan.
…Vẫn nhiều “khoảng trống” trong thực thi
Tại phiên đối thoại, ông Hoàng Anh Dũng, Tổng Giám đốc Intraco, cho rằng những chính sách hiện tại đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho người dân và doanh nghiệp. Khi đi thực tế các làng, xã, điểm thu gom tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam, ông nhận thấy chính sách đã phần nào tác động đến ý thức xã hội về thu gom, tái chế rác thải nhựa: “Tôi đã thấy nhiều tập đoàn dành nguồn ngân sách tương đối lớn cho hoạt động tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, hay nhiều người dân có thể hưởng lợi từ các chính sách quản lý rác thải nhựa”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, chính sách môi trường hiện nay có quy định về quản lý các bãi rác thải chôn lấp. Theo đó, trong khoảng 900 bãi rác, có khoảng 20% đã tuân thủ những quy định vệ sinh, tỉ lệ này đang tăng dần. Dù vậy, tỉ lệ 80% các bãi rác chưa được quy hoạch tốt vẫn là một bất cập. Điều đó cho thấy, chính sách đã phần nào đi vào thực tế, đem đến lợi ích. Tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa được đồng bộ, còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khuôn khổ Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), cho biết sản xuất sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 20 năm qua. Đặc biệt trong giai đoạn 2019 – 2022, xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống là động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa – một trong 10 loại rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường nhiều nhất.
Ông Nga cũng nêu thực trạng nhức nhối nhiều năm nay về ô nhiễm nhựa nhưng chưa được xử lý triệt để. Đơn cử, trong khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm (tương đương 7.800 tấn/ngày), 80% là túi nilon dùng 1 lần. Trong đó, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế; biện pháp xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến.
Khoảng 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển Việt Nam là rác thải nhựa, trong đó, phần lớn là nhựa dùng một lần. Đại dịch COVID-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất thải nhựa tăng đột biến. Bên cạnh đó, một thống kê từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện trên biển có khoảng 393 triệu tấn nhựa đang phân tán khắp nơi và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sinh vật biển.
Các chuyên gia cho rằng “khoảng trống” giữa chính sách và thực thi các quy định trên thực tế là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn nạn ô nhiễm nhựa nước ta ngày càng trầm trọng hơn qua các năm.
Bà Kim Thị Thúy Ngọc cho biết, các chính sách hiện hành trong quản lý rác thải nhựa vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử, các quy định pháp luật của Luật BVMT 2020 chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện. Đã có các chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải, nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, vẫn còn thiếu vắng các hướng dẫn cụ thể về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế;…
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cũng đề xuất cần đẩy mạnh áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục bất cập trong quản lý rác thải nhựa. Trong đó có thể cân nhắc việc tăng thuế và cấp phép chặt chẽ với hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa; kết hợp với các nhà máy xử lý chất thải tăng cường các hoạt động thúc đẩy ý thức người dân như đổi rác nhựa lấy đồ dùng như cây cảnh, đồ ăn, mũ bảo hiểm… để tiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa; nói “không” với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về tái sử dụng…