Kẹo Kera chứa chất Sorbitol có hại đến sức khỏe người dùng
Liên quan đến thông tin sản phẩm kẹo rau củ Kera có chứa chất tạo ngọt Sorbitol, nhiều bạn đọc bày tỏ băn khoăn về việc chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng hay không.

Quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera trên mạng. (Ảnh: TTXVN)
Báo Nhân Dân điện tử nhận được câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Khánh Hương ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội: “Thời gian qua, sản phẩm kẹo rau củ Kera được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhất là trong các phiên livestream bán hàng. Gần đây, tôi được biết, theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm này có chứa chất tạo ngọt Sorbitol. Tôi muốn hỏi Sorbitol là chất gì, có bị cấm sử dụng hay không, và nếu sử dụng thì ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?”.
Cùng chung lo lắng, bạn đọc Nguyễn Hưng Bình ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, chia sẻ: “Tôi được biết, tỷ lệ Sorbitol trong sản phẩm kẹo rau củ Kera tương đối cao, với hàm lượng 33,4g/100g sản phẩm. Sử dụng thường xuyên kẹo có tỷ lệ Sorbitol như vậy có gây nguy hiểm cho sức khỏe không?”.
Sorbitol là gì, và dùng bao nhiêu là an toàn?
Theo các tài liệu khoa học, Sorbitol là một loại rượu đường (polyol), thường được dùng làm chất tạo ngọt thay thế đường nhờ vị ngọt dịu, ít calo, không làm tăng đột biến đường huyết.
Trong ngành thực phẩm, đây là phụ gia phổ biến và được phép sử dụng trong các sản phẩm như kẹo không đường, siro ho, bánh quy, socola… Sorbitol được xem là tương đối an toàn nếu dùng đúng liều lượng.
Tuy nhiên, nếu tiêu thụ trên 10g mỗi ngày, một số người có thể gặp phải triệu chứng như đầy hơi, đau bụng hoặc tiêu chảy. Liều sử dụng từ 50g/ngày trở lên có thể gây rối loạn tiêu hóa rõ rệt.
Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, kẹo rau củ Kera chứa 33,4g Sorbitol trên mỗi 100g sản phẩm. Trung bình, mỗi viên kẹo nặng 3,2g sẽ tương đương khoảng 1g Sorbitol. Như vậy, nếu ăn khoảng 20 viên/ngày, người dùng có thể nạp tới 20g Sorbitol, vượt ngưỡng khuyến nghị an toàn được ghi nhận trong nhiều tài liệu y học.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, Ủy viên Hội đồng dinh dưỡng và thuốc-Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, cho biết thêm: “Thực chất, Sorbitol là một loại đường, dùng nhiều sẽ có tính nhuận tràng, thậm chí có thể gây tiêu chảy".
Ông khẳng định đây không phải chất cấm, nhưng sử dụng phải đúng liều lượng: “Một vài viên không gây hại, nhưng dùng nhiều, đặc biệt với trẻ em hoặc người có bệnh tiêu hóa, có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Toán cũng lưu ý: “Không có gì là an toàn tuyệt đối, kể cả vitamin cũng có thể gây dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng nếu dùng sai cách”.
Không ghi thành phần Sorbitol là vi phạm nghiêm trọng
Đáng chú ý, thành phần Sorbitol không được ghi rõ trên bao bì sản phẩm kẹo rau củ Kera. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Pháp lý Truyền thông Việt, đơn vị chuyên tư vấn về công bố sản phẩm thực phẩm: “Việc sử dụng Sorbitol trong thực phẩm là hợp pháp, nhưng các đơn vị sản xuất bắt buộc phải công bố thành phần rõ ràng, đặc biệt với các chất có thể gây tác dụng không mong muốn nếu dùng sai cách. Nếu không công bố, đây là hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn thực phẩm”.
Từ các ý kiến chuyên gia, có thể khẳng định Sorbitol không phải là chất cấm, nhưng nếu sử dụng sai cách, quá liều, hoặc không có hướng dẫn rõ ràng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đối mặt với nhiều hệ lụy sức khỏe.