Kết cục Nagorno-Karabakh sẽ khác nếu có phòng không Nga?
Theo giới chuyên gia Nga, việc thiếu các hệ thống phòng không khiến Armenia thất bại...
UAV - sát thủ đối với tăng-thiết giáp
Vừa qua, tạp chí “Lợi ích Quốc gia” (The National Interest) của Mỹ đã nêu nguyên nhân vì sao xe tăng, xe bọc thép lại bị bắn cháy trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh nhiều như thế.
Trong thời gian qua, chúng ta đã biết thông tin Azerbaijan đang sử dụng loại máy bay không người lái (UAV) chiến đấu Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ và nó đã đạt hiệu quả tiêu diệt mục tiêu mặt đất rất cao, khiến Armenia gánh chịu rất nhiều thiệt hại.
Bayraktar TB2 sử dụng các vũ khí trang bị chủ yếu cho UAV là các loại bom dẫn đường laser đường kính nhỏ MAM-L và MAM-C, đặc biệt là tên lửa chống tăng tầm xa tiên tiến UMTAS do Roketsan phát triển, có khả năng diệt xe tăng ở cự ly 8km.
Cho đến hôm nay vẫn chưa có thông tin thống kê chính thức về hiệu quả tấn công của UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nhưng vào hôm 03/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố một video, ghi lại các cuộc tấn công bằng UAV Bayraktar TB2, đánh vào các lực lượng vũ trang Armenia trong các ngày 01 và 02 tháng 10.
Đoạn video cho thấy, những cuộc không kích này đã phá hủy hoặc làm hỏng hàng loạt trang thiết bị của Armenia, cụ thể là: 09 xe tăng chiến đấu T-72; 02 xe chiến đấu bộ binh BMP-1; 02 xe bọc thép MT-LB; 02 xe pháo phản lực BM-21.
Ngoài ra, video cũng ghi lại cuộc tấn công vào một trận địa cối và cuộc không kích bằng bom hoặc tên lửa vào một căn cứ ở Nagorno-Karabakh, mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào.
Ngay trong ngày 08/10, máy bay không người lái của Azerbaijan cũng đã “làm mưa làm gió” trên bầu trời Stepanakert, thủ đô Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh, bất chấp việc lực lượng vũ trang của Karabakh đã nổ súng và cố gắng bắn hạ nó.
Ngoài ra, UAV của Azerbaijan cũng được cho là đã tấn công vào ngôi đền chính Kazanchetsots ở thành phố Shushi của Karabakh, khiến ngôi đền cổ được xây dựng ở thế kỷ 19 bị phá hủy.
Việc hơn ba trăm xe bọc thép, đặc biệt là xe tăng, bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh không phải là do loại phương tiện này "vô dụng" trong điều kiện xung đột quân sự hiện đại, khi trên chiến trường nghiêng về việc sử dụng máy bay không người lái.
Không chỉ trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh mà trong bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào, xe tăng dù đã được tăng cường các hệ thống phòng vệ rất mạnh, nhưng chúng hầu như không có khả năng tự bảo vệ trước máy bay không người lái hiện đại.
Trên không hoàn toàn bị máy bay không người lái khống chế và chúng thực sự là hung thần đối với các phương tiện bọc thép.
Những sát thủ đối với Bayraktar TB2
The National Interest nhắc lại rằng, xe tăng từng được sử dụng thành công trong cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, những nước có hệ thống phòng không phát triển. Như vậy, trong hình thái xung đột hiện đại xe tăng chưa thể mất đi vai trò cần thiết của nó.
Tạp chí Mỹ bình luận việc 137 xe chiến đấu của Azerbaijan và 130 xe của Armenia bị phá hủy là do nguyên nhân các bên tham chiến không chuẩn bị đầy đủ về mặt chiến thuật, cũng như thiếu hệ thống phòng không tương thích để yểm trợ che chắn cho các phương tiện mặt đất, đặc biệt là xe tăng.
“Không bên nào có hệ thống phòng không cần thiết để bảo vệ các đơn vị mặt đất” - tạp chí Mỹ nhấn mạnh.
Không chỉ các chuyên gia Mỹ mà các chuyên gia quân sự Nga cũng đồng quan điểm như vậy khi cho rằng, nếu là Nga thì các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm thấp của nước này sẽ khiến các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rụng như sung.
Báo “Voenno-Promyshlenny Courier” của Nga mới đây có bài báo dẫn lời các chuyên gia đánh giá về vai trò của UAV Bayraktar TB2 Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột vừa qua ở Nagorno-Karabakh và điểm danh những “sát thủ” đáng sợ nhất đối với máy bay không người lái này.
Bài báo dẫn lời các chuyên gia Nga cho biết, các hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2KM (tầm ngắn) và Buk-M2E (tầm trung) do Nga sản xuất có thể tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) làm nhiệm vụ do thám tấn công, đặc biệt là Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tor-M2KM có thể "đồng thời phát hiện 48 mục tiêu, cùng lúc theo dõi 10 mục tiêu và đồng loạt bắn hạ 4 mục tiêu. Do đó, có thể nói rằng, UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ "không có cơ hội sống sót khi lọt vào khu vực hoạt động của hệ thống tên lửa phòng không này".
Bài báo cho biết, hệ thống tên lửa phòng không Sosna cũng có thể hữu ích để tiêu diệt UAV do Thổ Nhĩ kỳ sản xuất. Hệ thống này có khả năng phát hiện máy bay từ cách xa 30 km, phát hiện tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở khoảng cách 12 km.
"Khu vực tên lửa đảm bảo có thể đánh chặn mục tiêu có phạm vi tầm xa từ 1,3-10 km và tầm cao từ 0,002-5 km" - tờ báo cho biết.
Bài báo nhắc lại rằng ở Nga hiện nay đang nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Ptitselov. Tổ hợp tấn công của hệ thống phòng không thế hệ mới này khác biệt hơn hệ thống Sosna ở chỗ tên lửa mới có tầm bắn xa hơn và độ cao đánh chặn lớn hơn.
Trong số các phương tiện chống lại UAV, bài báo còn nêu tên tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tích hợp Pantsir-S và tổ hợp pháo phòng không cơ động Derivatsyia-PVO.
Bài viết kết luận rằng hiện tại quân đội Nga có đủ các hệ thống khác nhau để đối phó với loại phương tiện bay loại này (Bayraktar TB2).
Có thông tin cho rằng Armenia cũng có những hệ thống phòng không như vậy ở số lượng hạn chế, đang được sử dụng để bảo vệ các cơ sở quan trọng có ý nghĩa chiến lược của đất nước. Nếu nước này sở hữu nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung của Nga thì cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh đã có kết cục khác.