Kết luận của Phó Thủ tướng về công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh
Thành phố xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất và khó kiểm soát nhất liên quan đến đến Hội thánh Phục Hưng. Ba chuỗi lây nhiễm trước đó, Thành phố cơ bản khống chế được.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 147/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7.
Kết luật nêu rõ trong thời gian từ ngày 30/5 đến 1/6 /2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7.
Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng vượt khó
Đoàn đã đi kiểm tra Khu chế xuất Tân Thuận (3 Công ty Kim May ORGAN, MTEX và NIKKISO); kiểm tra trực tuyến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Cần Giờ tại Trung tâm điều hành của Sở Y tế Thành phố; kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại khu cách ly tập trung - Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; nghe Quân khu 7 báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh và kế hoạch chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
Sau khi đi kiểm tra, nghe báo cáo của các đơn vị, ý kiến của các thành viên Đoàn công tác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận tại các địa điểm kiểm tra, các cấp, các ngành đều đang rất tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định tình hình theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và cơ quan quản lý ngành ở Trung ương.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng vượt khó của Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định tình hình. Đoàn công tác cơ bản đồng tình với báo cáo, nhận định và kiến nghị của Thành phố; đồng tình với quyết định của Thành phố về thời điểm áp dụng thực hiện Chỉ thị 15, 16 trên địa bàn.
Đến thời điểm kiểm tra, Thành phố đã xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất và khó kiểm soát nhất, là điểm nóng nhất trên địa bàn hiện nay, liên quan đến điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo hoạt động tại phường 3, quận Gò Vấp; trong thời gian 7 ngày (từ 26/5 đến 1/6/2021) ghi nhận trên 200 ca bệnh tại 22/24 quận, huyện và đã lan ra 6 địa phương khác trên cả nước. Với 3 chuỗi lây nhiễm trước đó, Thành phố đã cơ bản khống chế được.
Thành phố đã hết sức chủ động, xây dựng các phương án cụ thể, thực hiện rất nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt không để thiếu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồng thời bảo đảm cung cấp, điều tiết hàng hóa cho các khu lân cận; yêu cầu, động viên các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối (kể cả các chợ đầu mối) bình ổn thị trường.
Thành phố đã xây dựng, ban hành bộ tiêu chí an toàn COVID-19 áp dụng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có các khu công nghiệp; đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết với chính quyền về bảo đảm an toàn COVID-19, đồng thời cũng sẽ dừng hoạt động với các nơi có nguy cơ cao.
Đối với 3 doanh nghiệp được kiểm tra tại khu chế xuất Tân Thuận: là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nên việc nhận thức, triển khai của 3 doanh nghiệp này trong việc thực hiện an toàn lao động, bảo đảm phòng, chống dịch tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra.
Về công tác y tế chuẩn bị điều kiện đáp ứng cho mọi tình huống dịch bệnh: Thành phố đã xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với tình huống 5.000 ca nhiễm (tương ứng với tình huống 30.000 ca nhiễm của cả nước), cụ thể: đã chuẩn bị nguồn nhân lực y tế (bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên lấy mẫu), cơ sở vật chất, nguồn lực (thiết bị, máy thở, xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm, …), đã thiết lập hệ thống các bệnh viện (bao gồm cả bệnh viện dã chiến) để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, kể cả trong trường hợp nặng, sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương lân cận trong trường hợp số bệnh nhân nặng vượt quá khả năng của các tỉnh bạn (chuẩn bị 200 giường ICU).
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát từ ngày 27/4 và ngày 26/5/2021, với bài học kinh nghiệm vận hành khu cách ly tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, học tập của sinh viên.
Tập thể các thầy, ccô giáo, nhân viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để sinh viên nghỉ hè sớm, trở về quê, bàn giao lại khu ký túc xá để chuyển thành cơ sở cách ly tập trung.
Sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tự giác, ý thức, trách nhiệm trong việc bàn giao ký túc xá để cơ quan chức năng trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly tập trung cho 10.000 người.
Kết luận nhấn mạnh là đơn vị tham gia từ rất sớm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quân khu 7 luôn luôn nêu cao ý thức của “Bộ đội Cụ Hồ,” phát huy tốt sức mạnh tổng hợp trong phòng chống dịch; huy động đầy đủ các thành phần trong hệ thống chính trị của địa phương tham gia phòng, chống dịch; triển khai các chốt phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, góp phần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch ngay tại biên giới. Cùng với các địa phương chủ động bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch (mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất,…).
Quân khu 7 vừa tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch, điều trị người bệnh vừa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và bảo toàn lực lượng, đến thời điểm kiểm tra, qua hơn 1 năm chống dịch, lực lượng vũ trang quân khu được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có trường hợp nhiễm COVID-19.
Từ khi xuất hiện dịch bệnh (ngày 23/1/2020) đến nay, trên địa bàn Quân khu đã tiếp nhận cách ly hơn 144.166 công dân tại các điểm cách ly quân sự, dân sự và tại nhà; Điều trị 565 ca nhiễm của 7 tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu, trừ Bình Phước và Lâm Đồng; hiện đang điều trị 83 ca; không có ca tử vong.
Quân khu 7 cũng thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng trong phòng, chống dịch COVID-19, như: hỗ trợ tiền, vật tư y tế, trang phục phòng, chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế, lương thực, thực phẩm… cho Lào, Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia; chủ động chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở cách ly, điều trị, phương tiện, nguồn lực sẵn sàng chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc địa bàn quản lý của Quân khu.
Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong việc quản lý điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo
Ngoài các kiến nghị cụ thể đã được giải quyết ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý:
Về vấn đề quản lý điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo: sự việc vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chính quyền cơ sở còn thiếu cảnh giác, có nơi, có chỗ còn chưa phát huy hết hiệu quả, vì vậy, cần phải phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, hệ thống chính trị (tổ dân phố, cảnh sát khu vực, dân phòng), mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là trong việc quản lý điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo (trên cả nước có khoảng 5.500 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tương tự như điểm nhóm ở quận Gò Vấp; Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 145 điểm).
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí tăng cường hơn nữa chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền cơ sở, phải coi đây là bài học, là hồi chuông cảnh tỉnh; cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả, không để xảy ra các trường hợp tương tự; cần tiếp tục phát huy hiệu quả của việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.”
Đồng thời kích hoạt mạnh mẽ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, vận động người có uy tín, chức sắc tôn giáo, các đoàn thể (cựu chiến binh, cán bộ hưu trí…) nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, lưu ý xử lý các điểm nhóm đăng ký sinh hoạt, không phải là xử lý tôn giáo, xử lý cá nhân vi phạm, không phải là xử lý chức sắc tôn giáo.
Duy trì chuỗi sản xuất, thực hiện mục tiêu kép
Các khu công nghiệp có nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh vào khu công nghiệp là rất lớn; không được phép để đứt gãy các chuỗi sản xuất; đảm bảo duy trì mục tiêu kép.
Thành phố phải đặt đây là trọng tâm, trọng điểm cao nhất để tập trung chỉ đạo, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong khu công nghiệp, không để lây nhiễm; khẩn trương rà soát, thường xuyên cập nhật, bổ sung các bộ tiêu chí an toàn COVID-19, nhất là trong các khu công nghiệp, khu cách ly, khu vực bị phong tỏa, bảo đảm sát thực tế, dễ kiểm tra, đánh giá, rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, Thành phố cần xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh hệ thống văn bản hành chính thì nên tăng cường bằng các biện pháp, hình thức tuyên truyền sinh động, trực quan.
Thành phố Hồ Chí Minh chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có đông công nhân, hoạt động trong môi trường kín, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, bảo đảm thu nhập, công ăn việc làm của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp trên địa bàn yêu cầu khai báo y tế 100% đối với tất cả những người ra vào khu vực sản xuất, doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động; quản lý chặt công nhân, tạo chuỗi an toàn (từ nơi ở đến nơi làm việc); cần thiết, thực hiện giãn cách tại chỗ, cách ly ở khu công nghiệp, nhà ở của công nhân với khu dân cư bên ngoài; xét nghiệm tối thiểu 20% số công nhân, người lao động hiện đang làm việc, lưu ý tập trung nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều; hướng dẫn, tập huấn để công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm.
Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khử khuẩn, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với những khu vực dễ lây là khu sản xuất, khu nhà ăn, khu thay đồ, khu vệ sinh, sinh hoạt tập thể, … nếu mất cảnh giác thì vẫn có khả năng lây lan; khuyến khích các doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với công nhân trong việc huy động tìm nguồn mua và bỏ tiền chi phí tiêm vắc xin cho công nhân, cũng chính là để đảm bảo an toàn nguồn nhân lực sản xuất ổn định cho doanh nghiệp; Nhà nước, Chính phủ sẵn sàng tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thực hiện.
Tuyệt đối không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, lây từ khu cách ly tập trung ra bên ngoài hoặc ngược lại; bảo đảm giãn cách, đối với phòng tại khu ký túc xá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ bố trí tối đa 2 người/phòng và phải có vách ngăn; thực hiện nghiêm “người cách ly người,” “phòng cách ly phòng,” “block cách ly block,” cách ly khu vực cách ly với khu dân cư…
Bộ Y tế, các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung tiêu chí, quy chế khu cách ly tập trung. Bộ Quốc phòng chỉ đạo thiết lập khu giãn cách, cách ly tại biên giới.
Chủ động vận động tìm nguồn, nhập khẩu vaccine
Đối với Chiến lược 5K + vaccine, truyền thông: Chiến lược vaccine có ý nghĩa sống còn, ta phải chạy đua để có vắc xin. Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương tìm nguồn vaccine, đạt tỷ lệ bao phủ vaccine, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chủ động tấn công.
Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn, cơ chế, chính sách thông thoáng để các địa phương, doanh nghiệp tìm nguồn ký kết hợp đồng nhập, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm định chất lượng đầu vào, hướng dẫn an toàn tiêm chủng; Thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong, sử dụng từ nguồn ngân sách của Thành phố, sự đóng góp của các doanh nghiệp, chủ động vận động tìm nguồn, nhập khẩu vaccine; Bộ Y tế kiểm tra đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời, khách quan chính xác, không đưa những thông tin sai lệch, đặc biệt là truyền thông về vaccine phải đầy đủ và rõ ràng, không truyền thông một chiều, gây tâm lý lo lắng trong xã hội.
Bộ Y tế chủ trì, rà soát lại các đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine cho phù hợp với tình hình mới, bổ sung đối tượng tiêm vaccine theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; đặc biệt là bổ sung đối tượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các công ty, nhà máy, xí nghiệp… có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tập trung đông công nhân.
Chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất
Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ trong mọi tình huống phải bảo toàn lực lượng phòng, chống dịch: yêu cầu phải sử dụng đội ngũ y, bác sỹ, đúng mục tiêu, trong trường hợp thật cần thiết; thay ca hợp lý. Tương tự như vậy đối với lực lượng tuyến đầu là bộ đội, công an. Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án, kế hoạch ở mức cao hơn kịch bản 5 nghìn người bệnh, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm nhu yếu phẩm dự trữ trong 6 tháng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát biên giới hòa bình, hữu nghị, chống nhập cảnh trái phép, chuẩn bị tình huống ứng phó trường hợp nhập cảnh ồ ạt, để xử lý cách ly tập trung ngay khu vực biên giới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị các kịch bản 30.000, 50.000 ca nhiễm; phát huy 4 tại chỗ của ngành y tế: vật tư y tế, thiết bị, xét nghiệm, phòng ICU,… phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Có kế hoạch điều phối lực lượng hợp lý; khẩn trương đúc rút, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, đơn vị.
Bên cạnh việc chuẩn bị phương tiện, nguồn lực (bệnh viện dã chiến, thuốc, máy thở, bình ôxy, …) thì cần chú trọng đặc biệt trong việc điều trị, nâng cao sức đề kháng của các bệnh nhân (F0) không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không để tiến triển nặng, gây quá tải cho hệ thống điều trị; chú trọng tăng cường, nâng cao sức đề kháng bằng y học cổ truyền, bài thuốc dân tộc, do phác đồ điều trị của y học hiện đại đối với nhóm này là không có thuốc (vì không sốt, không ho, không khó thở).
Các bộ, cơ quan tham gia Đoàn công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực./.