Kết luận điều tra về đường dây buôn lậu Mười Tường
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 53 tuổi, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng 24 đồng phạm trong vụ buôn lậu 51kg vàng và vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.
“Tai mắt” là người nấu cơm cho lực lượng chống buôn lậu
CQĐT xác định khoảng 6h30 ngày 30/10/2020, Nguyễn Hoàng Út (em ruột của Mười Tường) chạy vỏ lãi đến khu vực cột mốc 263/2 (còn gọi là cột mốc 50, biên giới Việt Nam - Campuchia) để canh đường vận chuyển USD từ Việt Nam sang Campuchia và vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam giao cho các tiệm vàng Trương Hưng, Vân Anh, Kim Ngọc Mai và ông Dương Công Cường theo sự chỉ đạo của Mười Tường.
Để phi vụ trót lọt, ông Út và Phạm Tấn Lộc chỉ đạo Phan Văn Bồ điều khiển tắc ráng (một loại thuyền) chạy dọc tuyến sông Châu Đốc - An Phú để canh đường cho các đối tượng vận chuyển hàng lậu. Võ Minh Tâm là người nấu cơm cho chốt liên ngành đóng gần cầu Chắc Ry, được Út giao việc nếu thấy lực lượng chống buôn lậu đi tuần tra thì báo cho Út.
Huỳnh Công Minh được phân công giả dạng người đi giăng câu bắt cá để canh đường ở khu vực cánh đồng ngập nước phía sau phường đội Vĩnh Ngươn. Võ Văn Kha chạy xe máy canh đường quanh khu vực phường đội Vĩnh Ngươn, đường Tuy Biên đến giáp ranh xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú). Nguyễn Văn Sỹ và Trần Hoàng Yên chạy xe máy canh ở khu vực cầu Cồn Tiên (giáp ranh huyện An Phú - TP Châu Đốc) và hầm cá Tỷ Na ở xã Đa Phước, huyện An Phú.
Cùng lúc đó, Lộc điều khiển xe máy đến nhận 400.000 USD của tiệm vàng Vân An và Kim Ngọc Mai. Tất cả USD được tập kết về nhà Mười Tường, sau đó Lộc và Lê Thị Bạch Vân sẽ tiến hành kiểm đếm số lượng.
Lộc và Vân để USD vào bọc nilon rồi cùng 3 người khác, mỗi người chạy một xe máy mang đến phủ thờ Nguyễn Mai của Mười Tường. Tại đây, các đối tượng giấu tiền vào khoang ở mũi tắc ráng. Xong việc, Nguyễn Văn Minh điều khiển tắc ráng chở Lộc sang Campuchia giao tiền cho Tuốt, Hía, Pha Na (các đầu nậu phía Campuchia) để nhận vàng về.
Do vận chuyển tiền, vàng cho nhiều tiệm và cá nhân khác nhau, nên các đối tượng đã quy định ký hiệu riêng để tránh nhầm lẫn. Cụ thể, ký hiệu “Vh” - tiệm vàng Trương Hưng, “VI” - tiệm vàng Trương Liêm, “số 9” - tiệm vàng Vân An, “số 2” - tiệm vàng Kim Ngọc Mai, “KK” là ký hiệu của Trịnh Kim Ba và Dương Công Cường.
Ngày 30/10/2020, lúc Út điều khiển vỏ lãi cập vào bờ sát đường Tuy Biên thì các đối tượng xuống xách các bao vàng đặt lên xe để chở đi. Đúng lúc đó, lực lượng công an vây bắt và bắt được Hải cùng tang vật là gần 51kg vàng 99,99%. Sau đó, những người liên quan đã ra đầu thú.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố 25 bị can về hành vi Buôn lậu.
Theo lời khai của Mười Tường, khoảng năm 2019, Trịnh Kim Ba cần tìm người vận chuyển USD, vàng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia, nên nói với Hạnh: “Kêu mấy đứa nhỏ của cô làm đi, kiếm tiền xài”. Hạnh đồng ý và kêu Lộc, Vân, Út, Minh, Mai Thị Ngọc Phấn, Nguyễn Văn Lê vận chuyển USD, vàng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia.
Mười Tường được vợ chồng Trịnh Kim Ba, Dương Công Cường cho mượn tiền không tính lãi, còn vợ chồng ông Cường trả công cho “đàn em” của Mười Tường như thế nào bị can này không biết.
Phạm Tấn Lộc khai khoảng tháng 9/2020, Lộc tham gia đường dây của Mười Tường và Nguyễn Hoàng Út. Quá trình này, Lộc có 2 lần đến nhà ông Cường nhận USD để vận chuyển sang Campuchia và mang vàng lậu về Việt Nam cho ông này. Trong số 51kg vàng bị công an bắt ngày 30/10/2020, có 1kg vàng ký hiệu “KK” là của vợ chồng ông Cường.
Qua giám định dữ liệu điện tử thu giữ khi khám xét tại nhà của vợ chồng bà Kim Ba và ông Cường, lực lượng công an phát hiện sau ngày 30/10/2020, có nhiều tài liệu thể hiện việc giao dịch USD, vàng giữa hai người này với các nghi phạm người Campuchia.
Từ những tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan công an xác định vợ chồng ông Cường có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trong thời gian dài.
Ngày 4/11/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lộc, Mười Tường, Phấn và Liêm về hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Công an cũng xác định một số bị can còn đứng tên nhiều tài sản là bất động sản, ôtô cho Mười Tường. Từ vụ án này, Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, xác minh thêm hành vi Trốn thuế và Rửa tiền.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang nhận định đây là đường dây buôn lậu có tính chất chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ, có nhiều đối tượng tham gia. Trong đó có cả các nghi phạm người Campuchia, hoạt động xuyên suốt, liên tục nhiều năm liền trên tuyến biên giới, ngay cả thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng chưa bị cơ quan nào phát hiện, điều tra, xử lý.
Quá trình điều tra bổ sung, Mười Tường khai, trong lúc bỏ trốn đã liên lạc với gia đình, chi 2 tỷ đồng cho một đối tượng “chạy án” để mình và đồng bọn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nội dung này không liên quan đến vụ án buôn lậu, vận chuyển tiền tệ qua biên giới nên CQĐT sẽ tiếp tục điều tra, xác minh, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.