Kết luận thanh tra về nghi vấn can thiệp điểm thi đầu vào tại Đại học Điện Lực
Qua kiểm tra xác suất danh sách sinh viên trúng tuyển tại một ngành của trường Đại học Điện lực năm 2013 cho thấy: Trong số 222 sinh viên thì có 140 sinh viên có điểm đầu vào thấp hơn điểm trúng tuyển.
Chiều 27/9, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố một số kết luận thanh tra về công tác đào tạo tại trường Đại học Điện lực.
Về phía Bộ GD&ĐT có ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra; ông Nguyễn Thanh Tùng (Trưởng đoàn thanh tra) và 2 thành viên trong đoàn thanh tra.
Về phía Bộ Công thương có ông Phạm Quang Hiệp (thanh tra viên chính).
Về phía trường Đại học Điện lực có PGS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch hội đồng trường; TS Trương Huy Hoàng – Bí thư đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường; TS Trương Nam Hưng – Phó hiệu trưởng; TS Nguyễn Lê Cường – Phó Hiệu trưởng cùng hơn 50 cán bộ gồm trưởng phó khoa và những cán bộ có liên quan.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT – chủ trì buổi công bố kết luận nêu ý kiến: "Cuộc thanh tra tại Đại học điện lực là đột xuất dựa trên những thông tin phản ánh trên báo chí và nhiều đơn thư gửi về. Đại học Điện lực là trường rất quan trọng trong hệ thống trực thuộc của Bộ Công thương cũng như trên cả nước. Quá trình phát triển có nhiều đóng góp lớn. Tuy nhiên trong công tác tổ chức tuyển sinh, đào tạo trong thời gian vừa qua đã có nhiều bất cập.
Mục đích thanh tra là phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm. Sau là giúp cho nhà trường ổn định phát triển. Đồng thời phát hiện trong những văn bản nhà nước còn những hạn chế, lỗ hổng để kiến nghị sửa đổi bổ sung. Việc công bố kết luận thanh tra hôm nay là thủ tục bắt buộc theo Luật thanh tra để chuyển từ giai đoạn thanh tra sang giai đoạn thực hiện kết luận thanh tra".
Tiếp theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng đoàn thanh tra công bố Kết luận Thanh tra số 109 ngày 26/9/2019 về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ trình độ đại học thuộc các khóa tuyển sinh năm 2013 – 2014 của trường Đại học Điện lực.
Qua quá trình thanh tra trực tiếp tại trường cũng như việc thu thập hồ sơ tài liệu xác minh, phân tích, đánh giá và có báo cáo, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2016, Bộ công thương đã tổ chức thanh tra công tác, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, liên kết đào tạo, quản lý thu chi tài chính, thu chi học phí của trường. Kết luận của Bộ Công thương đã khẳng định trường có vi phạm một số quy định về đăng ký chỉ tiêu khi báo cáo không trung thực về Bộ GD&ĐT các điều kiện thực tế trong công tác tuyển sinh, đăng ký chỉ tiêu. Giai đoạn 2011 – 2015 trường đã tuyển vượt 34270 sinh viên so với chỉ tiêu được bộ GD&ĐT giao. Các năm từ 2011 - 2013 đã vi phạm quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Bộ Giáo dục đào tạo khi tuyển 1699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển của trường công bố. Năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 trường đã tuyển các đối tượng liên thông, cao đẳng nghề lên đại học khi chưa được phép của Bộ GD&ĐT.
Kết quả thanh tra, kiểm tra, xác minh của Bộ GD&ĐT vừa qua cho thấy: Năm 2013, trường Đại học Điện lực báo cáo không trung thực về chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, số lượng trúng tuyển thực tế là 2080 nhưng báo cáo là 1518 và thực tế so với chỉ tiêu năm 2013 vượt 43,4%. Năm 2014 vượt chỉ tiêu 12,2%.
Qua kiểm tra xác suất danh sách sinh viên trúng tuyển ngành điện công nghiệp dân dụng năm 2013 cho thấy: Trong số 222 sinh viên thì có 140 sinh viên có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển theo thông báo số 1201 ngày 9/8/2013 và số 1466 ngày 12/9/2013. Điểm trúng tuyển của ngày đó năm 2013 là 20 điểm và 20,5 điểm cho khối A và A1. Tuy nhiên điểm trúng tuyển của 140 sinh viên nhỏ hơn 20 và 20,5 điểm.
Trong đó có 47 sinh viên được ghi chú là dạng đào tạo theo nhu cầu xã hội. 7 sinh viên không còn dữ liệu. Việc tiếp nhận sinh viên chuyển trường, trường đã tiếp nhận 14 sinh viên chuyển trường năm 2013 không đúng quy định (chuyển trường năm thứ 1) tại điểm C khoản 2 điều 18 quy chế đào tạo đại học theo hình thức tín chỉ. Tiếp nhận 2 sinh viên chuyển trường năm 2013 không đúng ngành hoặc nhóm ngành theo quy định tại điểm B khoản 1 điều 18 quy chế đào tạo đại học theo hình thức tín chỉ.
Về phân công giảng dạy, ra đề, coi thi, chấm thi, đoàn thanh tra xác định việc phân công giảng dạy tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa có sự chênh lệch trong việc phân công giờ dạy của các giáo viên trong khoa.
Kiểm tra cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi của Khoa Điều khiển và Tự động hóa cho thấy việc ra đề đối với những học phần có ngân hàng câu hỏi việc thi kết thúc học phần thực hiện trên máy tính. Đối với các học phần không có ngân hàng câu hỏi, thực hiện ra đề trực tiếp và giáo viên được trưởng khoa phân công ra đề, nộp đề thi về phòng quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, việc ra đề chưa thấy có các đáp án theo quy định. Việc tổ chức chấm thi, sau khi bài thi được thu về, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng tổ chức dọc phách, chuyển cho các khoa để tổ chức chấm thi. Trước học kì 2 năm 2017 – 2018, trường không tổ chức chấm chung, cán bộ chấm thi nhận túi bài thi từ giáo vụ của các khoa và tổ chức đưa về bộ môn hoặc khoa để chấm. Từ học kì 2 năm 2017 – 2018, trường bố trí phòng chấm tập trung, bài thi được chấm và lưu trữ tại phòng chấm thi. Cán bộ chấm thi nhập điểm trên hệ thống theo số phách, hệ thống sẽ ghép phách tự động. Bài thi sau khi chấm xong được trả về phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng. Sau đó được lưu trữ tại trường.
Kiểm tra cụ thể các túi bài thi của Khoa Điều khiển tự động hóa, năm 2013, 2014 thì thấy một số môn học như Điều khiển logic có một số túi bài thi chỉ có 1 chữ ký của cán bộ chấm thi, không ghi điểm kết luận bằng chữ, không ghi điểm của từng câu. Bài thi chỉ có chữ ký của 1 cán bộ chấm thi nhưng 2 cán bộ chấm thi cùng ghi tên hoặc không ghi điểm kết luận và không ghi điểm từng câu. Kiểm tra túi bài thi môn Lý thuyết mạch thì có một số cán bộ chấm thi không ký, không ghi điểm kết luận bằng chữ, không có điểm của từng câu. Đoàn Thanh tra có danh sách cụ thể 30 bài thi rà soát có dấu hiệu nâng điểm, từ điểm thấp lên điểm cao hoặc không ghi điểm kết luận bằng chữ hoặc không ghi điểm từng câu.
Do các sinh viên trúng tuyển năm 2013, 2014 đến thời điểm hiện nay theo quy định tại thông tư số 27/2016 ngày 30/12/2016 của Bộ GD&ĐT quy định về việc lưu trữ và thời hạn lưu trữ các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ ngành giáo dục đào tạo, các sinh viên này đã hết khóa. Vì vậy, một số bài thi, một số tài liệu theo quy định hết khóa đã hủy và không còn tài liệu để rà soát.
Liên quan đến phản ánh về một số bài thi có dấu hiệu nâng điểm, ngày 4/3/2019, trường Đại học Điện lực có quyết định số 217 thành lập tổ rà soát công tác chấm thi học kỳ I năm học 2018 – 2019 và 2017 – 2018 của Khoa Điều khiển tự động hóa. Tổ rà soát đã thực hiện rà soát 574 túi bài thi với khoảng 2000 bài thi do phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng cung cấp.
Ngày 25/4/2019, tổ có báo cáo kết quả rà soát chấm thi kết thúc học phần năm học 2017 -2018 và học kì I 2018 – 2019 tại Khoa Điều khiển và tự động hóa và tờ trình xem xét kiểm điểm cá nhân, tổ chức có liên quan.
Ngày 26/8/2019, hiệu trường trường Đại học Điện lực có quyết định số 1095 thi hành kỷ luật viên chức Vũ Như Thuận – nguyên Trưởng Khoa Điều khiển tự động hóa bằng hình thức Khiển trách và đồng ý theo nguyện vọng chuyển về làm công tác chuyên môn tại Khoa Công nghệ năng lượng.
Ngày 29/8/2019, hiệu trường trường Đại học Điện lực có quyết định số 1116 thi hành kỷ luật viên chức với ông Vũ Văn Định – nguyên Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng bằng hình thức khiển trách. Do thời hạn nhiệm kỳ đã hết, trường không xem xét bổ nhiệm lại và chuyển về làm công tác chuyên môn tại Khoa Công nghệ thông tin.
Kết quả kiểm tra việc trường Đại học Điện lực tổ chức quản lý văn bằng chứng chỉ, tổ chức in, quản lý phôi văn văn bằng chứng chỉ cho thấy, mẫu văn bằng chứng chỉ chưa đúng theo quy định, sổ gốc văn bằng chứng chỉ chưa đúng theo quy định, còn hiện tượng sửa chữa trong sổ không đúng quy định, chưa công khai thông tin về văn bằng chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của trường.
Ngoài ra, việc tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 đặt lớp tại trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (mà trường Đại học Điện lực đã đầu tư mua) đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 4 Luật Giáo dục Đại học.
Trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trong công tác tuyển sinh năm 2013, 2014 trước hết thuộc về Hiệu trường – Chủ tịch hội đồng tuyển sinh, các thành viên thuộc hội đồng tuyển sinh năm 2013, 2014, trưởng phòng đào tạo, phó trường phòng đào tạo phụ trách mảng tuyển sinh năm 2013, 2014 và các cán bộ công chức tham mưu, tiếp nhận sinh viên chuyển trường.
Về tổ chức quản lý đào tạo, quy định đào tạo của trường ban hành kèm theo quyết định số 577 ngày 11/9/2009 quy định việc cho sinh viên đại học dự thính là trái với quy chế đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ.
Trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong việc ban hành văn bản của nhà trường trước hết thuộc về đơn vị tham mưu là phòng đào tạo. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức, quản lý đào tạo đại học chính quy đối với khóa tuyển sinh 2013, 2014, đặc biệt là việc ra đề, việc chấm thi, nâng điểm thi trước hết thuộc về cán bộ chuyên viên của phòng đào tạo, phòng khảo thí đảm bảo chất lượng, cán bộ giảng viên khoa điều khiển tự động hóa, Phó hiệu trưởng phụ trách mảng đào tạo và Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực theo từng giai đoạn.
Về vi phạm trong quản lý văn bằng; mẫu phôi bằng chưa đúng quy định; sổ gốc quản lý văn bằng chưa đúng quy định… trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trong công tác quản lý văn bằng trước hết thuộc cán bộ chuyên viên phòng đào tạo, phòng thanh tra pháp chế, Phó hiệu trưởng phụ trách mảng văn bằng, Hiệu trưởng theo từng thời kỳ.
Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ rõ việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ, giảng viên, viên chức có liên quan còn chậm dẫn đến phát sinh đơn thư, báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.
Trên cơ sở đó, thanh tra GD&ĐT kiến nghị trường Đại học Điện lực có giải pháp chấn chỉnh khắc phục các thiếu sót, sai phạm nêu trong kết luận thanh tra. Trước mắt tập trung vào một số vấn đề sau:
Rà soát, kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định của trường như: Quy chế đào tạo, quy chế, quy chế quy định về ra đề coi thi, chấm thi; quy chế quản lý văn bằng chứng chỉ theo đúng quy định hiện hành của GD&ĐT.
Rà soát toàn bộ điểm đầu vào của sinh viên đại học chính quy năm 2013, 2014 của tất cả các ngành đào tạo của trường. Lập danh sách sinh viên có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của trường, danh sách sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội của từng địa phương, danh sách sinh viên chuyển trường, tiếp nhận không đúng quy định. Đánh giá cụ thể tình trạng hiện tại của sinh viên còn học, đã tốt nghiệp. Lập danh sách, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp. Trường hợp không đúng quy định của quy chế thì buộc thôi học, thu hồi văn bằng theo quy định gửi về Vụ giáo dục đại học và thanh tra GD&ĐT trước ngày 30/11/2019.
Rà soát đánh giá quy trình đào tạo, kết quả đào tạo của từng sinh viên có bài thi được nâng điểm, sửa điểm. Xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của quy chế đào tạo gửi về Vụ giáo dục đại học và thanh tra GD&ĐT trước ngày 30/11/2019.
Thực hiện in, quản lý phôi văn bằng chứng chỉ theo đúng quy định của quy chế quản lý bằng tốt nghiệp cho THCS, THPT, bằng giáo dục Đại học và chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo thông tư số 19/2015 ngày 8/9/2015 của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là mẫu phôi văn bằng và việc công khai thông tin văn bằng trên trang thông tin điện tử của trường.
Kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân (nếu có) để xảy ra sai phạm thiếu sót nêu trong kết luận thanh tra. Báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về thanh tra bộ GD&ĐT trước ngày 30/11/2019.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.