Kết nối các tổ chức tôn giáo vào hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường
Trong 5 năm qua, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên chủ trì thực hiện công tác an sinh xã hội đạt 3,9 ngàn tỷ đồng.
Một phần đóng góp không nhỏ trong số này đến từ các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tại Đồng Nai và nhiều mô hình bảo vệ môi trường và được thực hiện có hiệu quả.
Chủ động tham gia vào hoạt động an sinh xã hội
Để cụ thể hóa các nội dung và đưa sự phối hợp thực hiện công tác an sinh xã hội trở nên thuận lợi, mỗi năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) Việt Nam tỉnh đều ký kết phối hợp thống nhất hành động. Qua đó, các bên phối hợp tổ chức, triển khai tham gia các phong trào do Mặt trận phát động liên quan đến đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp nhân đạo…
Như ngay sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có Thư kêu gọi ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đã có thư ngỏ kêu gọi ban trị sự GHPG Việt Nam các huyện, thành phố cùng vận động tăng, ni và phật tử, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hàng. Riêng Công giáo Đồng Nai đã ra lời kêu gọi tín đồ thể hiện tinh thần tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam để ủng hộ cứu trợ đồng bào miền Bắc.
Qua đó, 2 tôn giáo lớn này đã chuyển 1 tỷ đồng ủng hộ về Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đồng thời, các tôn giáo còn tổ chức các chuyến đi đưa hàng cứu trợ thiết yếu đến với bà con.
Một hoạt động an sinh xã hội khác của đồng bào các tôn giáo là chăm lo cho người không nơi nương tựa. Hiện trong số 15 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được nhà nước công nhận, có đến 14 cơ sở do các chức sắc, chức việc tôn giáo thành lập và điều hành. Như Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) đang chăm sóc 130 người già; Cơ sở Trợ giúp xã hội Hòa Hảo (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) đang chăm sóc 90 người già neo đơn…
Nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên, cho biết tất cả những người có nhiệm vụ chăm sóc lẫn người cao tuổi được chăm sóc tại cơ sở đều cố gắng giúp nhau với mong muốn tại ra môi trường sống vui khỏe cho từng thành viên.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, những cơ sở bảo trợ xã hội này đang góp phần chia sẻ gánh nặng cùng tỉnh trong thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân không nơi nương tựa. Để san sẻ và động viên tinh thần đối với các cơ sở bảo trợ xã hội này, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động, kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ một phần vật chất trợ giúp cho các cơ sở bảo trợ
xã hội.
Tích cực bảo vệ môi trường
Một kết quả tích cực khác là ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã kết nối, huy động được sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tín đồ các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đồng Nai hiện xây dựng và duy trì 296 mô hình bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Điểm đáng chú ý là gần như mô hình nào cũng có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo và tín đồ.
Để thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm, chung tay của các tổ chức tôn giáo và tín đồ với vấn đề này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Chương trình Phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2026. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện để các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo linh mục Trần Xuân Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh, bảo vệ môi trường sống là điều được chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo quan tâm. Trước hết là giữ gìn hình ảnh cơ sở tôn giáo sạch đẹp, trang nghiêm. Sau là mỗi gia đình tín đồ xây dựng đời sống lành mạnh, có trách nhiệm với môi trường và tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường do địa phương phát động.
Còn thượng tọa Thích Đạo Huy, Phó trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Viện chủ thiền viện Phước Nghiêm (xã Phước Thái, huyện Long Thành), cho hay các tự viện đều chú trọng thực hiện với việc trồng, bảo vệ cây xanh tạo cảnh quan. Đồng thời, mỗi tự viện còn cùng với người dân lân cận chung tay dọn dẹp rác, phát quang bụi rậm trong khu dân cư với mong muốn cùng tạo nên cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho mọi người.
Ngoài những hoạt động kể trên, thông qua sự kết nối của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các sở, ngành liên quan, Phật giáo Đồng Nai còn xây dựng mô hình phóng sinh, kết hợp tuyên truyền người dân không sử dụng công cụ bị cấm trong đánh bắt thủy sản.
Thượng tọa Thích Huệ Khai, Ủy viên Thường trực GHPG Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, cho biết tùy theo khả năng mà định kỳ trong các dịp lễ lớn của Phật giáo, ban trị sự GHPG Việt Nam các cấp, các tự viện đều tổ chức phóng sinh. Ngoài ra, ban trị sự GHPG Việt Nam các cấp, nhất là các tự viện gần nơi ao, hồ, sông, suối, nơi có ngư dân đánh bắt thủy sản sinh sống cũng có sự trao đổi để người dân điều chỉnh hành vi đánh bắt có trách nhiệm với thiên nhiên.