Kết nối chuỗi cung ứng nông sản vào thị trường Quảng Tây, Vân Nam
Nhận định Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc là thị trường cao cấp, có cửa ngõ biên giới thuận tiện, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác hải quan và doanh nghiệp hai bên để nông sản Việt vào sâu được thị trường nội địa nước này.
Chia sẻ với báo chí về kết quả chuyến công tác Trung Quốc (29/5 - 2/6) vừa qua nhằm thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam – Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam đã có những trao đổi cởi mở và cam kết coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của hai tỉnh này.
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch rất rõ rệt. Chính phủ và doanh nghiệp hai bên đều coi nhau là đối tác thương mại quan trọng.
Gần gũi về địa lý, có chung đường biên nên có lợi thế về vận chuyển hàng nông sản cung ứng tới người tiêu dùng. Trung Quốc có tuyến biên giới đường bộ thuận lợi, trong khi đó, 70% nông sản Việt Nam sang Trung Quốc là đi bằng đường bộ. Đây là lợi thế thúc đẩy nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: Thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm.
Nhiều mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu lớn vào thị trường Trung Quốc chưa được mở cửa như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm.
Tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.
Việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước có tính bổ trợ cho nhau. Như Vân Nam sở hữu rau củ quả ôn đới đối còn Việt Nam là nhiệt đới. Cũng có những mặt hàng có thể trùng nhau nhưng thực tế sản lượng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là lợi thế so sánh giữa hai bên và là lợi thế rất lớn để thúc đẩy thương mại nông sản.
Hạ tầng cửa khẩu là yếu tố quan trọng trong giao thương hai nước
Nhận định tiềm năng nông sản hai nước là những thuận lợi để đẩy mạnh giao thương Việt Nam – Trung Quốc thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cùng đồng tình với đề xuất của Bộ NN&PTNT về kết nối chuỗi cung ứng nông sản.
Hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức họp, hội nghị luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa hải quan tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với các cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.
Đồng thời, hai bên cùng thống nhất nên thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp hai nước. Từ đó, hai bên xây dựng những chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
Qua làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây, Cục Hải quan Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Thứ trưởng NN&PTNT thông tin, hai bên đã thống nhất xem xét tạo điều kiện tăng cường thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.
Hiện nay, nhu cầu hàng hóa của hai bên rất lớn, tuy nhiên, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương.
"Nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Đôi khi ta cứ nói hàng hóa ùn ứ thông qua chưa vào được Trung Quốc do chất lượng nông sản là chưa hẳn chính xác, nói vậy tội cho bà con nông dân”.
Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam
Đặc biệt, tỉnh Vân Nam đang có nhu cầu cao về các sản phẩm thủy sản. Do đó, Hải quan Côn Minh (Vân Nam) đã đồng ý sắp tới sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống được xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam.
Sau chuyến đi này, Bộ cũng có ý kiến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ tại các cửa khẩu, hai bên thống nhất cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông, lâm, thủy sản.
Đối với Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối để liên lạc thường xuyên như các cơ quan chức năng của phía bạn ở cửa khẩu, để kịp thời giải những vấn đề ách tắc.
Ý tưởng cửa khẩu thông minh giải quyết ách tắc nông sản
Trung Quốc đề xuất Việt Nam sử dụng cửa khẩu thông minh, chuyển đổi số để tháo gỡ ùn ứ nông sản.
“Đây là ý tưởng rất phù hợp để giải quyết những ách tắc nông sản hai nước. Với mô hình này, xe nông sản cách cửa khẩu 70km đã được cơ quan chức năng chuẩn bị rà soát làm thủ tục thông quan. Việt Nam sẽ thí điểm trước ở các cửa khẩu kết nối với Vân Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Kết hợp chuyến công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam có 2 diễn đàn kết nối xuất nhập khẩu nông sản hai nước, với hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc và gần 20 doanh nghiệp Việt Nam.
Từ những thảo luận tại diễn đàn, Thứ trưởng nhận định, việc hợp tác thương mại hai nước đang thiếu tính bền vững. Đó là chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là tìm mối bán lẻ, không có sự kết nối theo ngành hàng. Có khi buôn bán một lần và không gặp lại nhau nữa.
“Đó không chỉ vấn đề xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà còn vấn đề logistics để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa hai bên. Khi hình thành chuỗi này, doanh nghiệp có thể đăng ký trước thời gian thông quan ở cửa khẩu, giảm nguy cơ gây ách tắc”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.
Thông điệp gửi tới các doanh nghiệp
Nhắn nhủ tới các doanh nghiệp nông sản đang hướng tới thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, đây là thị trường lớn, rất chú trọng đến chất lượng với nhiều quy định nghiêm ngặt.
Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ, đảm bảo các quy định của thị trường này, nhất là các quy định 248 – 247. Không nên chủ quan cho rằng đây chỉ là thị trường dễ tính.
Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam
Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước nói chung và với hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ tăng nhiều hơn nữa.