Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại Gia Lai
Ngày 8/12, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Gia Lai năm 2023 với sự tham gia của một số địa phương nữa như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh và 70 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối trong nước.
Đây là hoạt động nhằm triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời là cơ hội để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và thúc đẩy quan hệ thương mại.
Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của các địa phương; trong đó, có nhiều sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Phần lớn mặt hàng được trưng bày trong dịp này là các sản phẩm nông sản, chế biến nông sản, OCOP, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, dịch vụ…; đặc sản, đặc trưng vùng miền của các địa phương. Trong số đó, có nhiều sản phẩm của Gia Lai và các tỉnh, thành phố đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP.
Ông Dương Thái Trung - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hội nghị góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam; hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.
Các Sở Công Thương khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung cần tăng cường hơn nữa hoạt động liên kết vùng miền, trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các tỉnh, thành để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trên cả nước.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai nhận xét, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan báo chí và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức triển khai. Cuộc vận động đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại Gia Lai năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, an toàn thực phẩm. Đồng thời, sự kiện này cũng sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội đẩy mạnh hệ thống phân phối, đưa hàng hóa Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường, giá cả, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tại hội nghị lần này, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh và 70 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối trong nước đã ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều hành, cũng như giới thiệu về mô hình sản xuất, kinh doanh; tình hình cung ứng hàng hóa.