Kết nối để hình thành hệ sinh thái kinh tế mạnh
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với tứ giác kinh tế: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế cả nước. Tuy nhiên, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây đã phản ánh những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt và cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 với thành phố Thủ Đức.
Trong những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, không ngừng phát triển mạnh mẽ với các khu công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thành phố dường như đã đạt đến giới hạn trong phát triển các ngành sử dụng lao động có trình độ thấp, trong khi việc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao vẫn chưa có sự đột phá rõ rệt. Các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng hiện tại, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương này, cũng như kinh tế của toàn vùng còn diễn ra khá chậm.
Theo Tiến sĩ Trần Hải Hà, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chủ yếu là các địa phương trong vùng chưa phát huy đầy đủ thế mạnh chung của cả khu vực. Mỗi địa phương đều có các ngành nghề đặc trưng, nhưng việc hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả. Việc xây dựng các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao chưa được triển khai đồng bộ.
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với sự tập trung các khu công nghiệp lớn, cảng biển quốc tế, và trung tâm tài chính hàng đầu, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, khi cả nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, vùng này cũng đối mặt với không ít yêu cầu và thách thức lớn. Những thách thức mà vùng đang đối mặt bao gồm các vấn đề ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất, hạ tầng giao thống thiếu đồng bộ… Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các khu vực khác trong nước, trong khu vực và những tác động của biến đổi khí hậu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng. Để vực dậy tăng trưởng, cần có những chính sách điều chỉnh hợp lý nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghệ cao, sản xuất sạch, các ngành dịch vụ mũi nhọn...
Để Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trở thành trung tâm phát triển năng động, bền vững, có chất lượng tăng trưởng cao, các địa phương cần tăng cường liên kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực; trong đó, ưu tiên đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là vô cùng cấp thiết. Các địa phương cần tập trung giải quyết các nút thắt về kết nối giao thông theo hướng mở rộng mạng lưới đường bộ như xây dựng, nâng cấp các tuyến đường bộ kết nối trực tiếp với mạng lưới giao thông quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và với các khu vực khác; đồng thời đẩy mạnh đầu tư các công trình giao thông, kết nối hiệu quả giữa đường bộ, đường thủy nội địa và các cảng thủy nội địa. Điều này sẽ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, để tạo động lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Chính phủ cần thống nhất liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý hành chính rõ ràng, coi vùng là một đơn vị hành chính của quốc gia để có cơ chế hoạt động, quản lý phù hợp, hiệu quả. Các địa phương trong vùng cần chủ động huy động đa dạng các nguồn lực tài chính để phát triển vùng, địa phương bằng cách kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn xã hội hóa để triển khai các dự án có tính trọng điểm, đột phá, tạo ra liên kết vùng. Việc này sẽ giúp gia tăng hiệu quả đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kích thích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các dự án phát triển, tạo ra sự đồng thuận và nâng cao sức cạnh tranh của toàn bộ khu vực.
Các địa phương trong vùng, khi xây dựng các chính sách phát triển liên kết, phải gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cần có các chương trình, dự án hỗ trợ các địa phương trong vùng ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Từ đó, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố, cơ chế quản lý hiệu quả, việc huy động tối đa các nguồn lực, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển nhanh và bền vững, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Tiến sĩ Trần Hải Hà cho rằng, các địa phương trong vùng cần nhận thức: Mỗi tỉnh, thành phố không thể phát triển một cách độc lập mà phải kết hợp chặt chẽ với các địa phương khác để hình thành một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ, có sức lan tỏa, tạo ra các cơ hội phát triển chung. Hợp tác không chỉ thể hiện ở các lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng ra các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường sống và làm việc lý tưởng, thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần nâng cao vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trên bản đồ kinh tế quốc gia và quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ket-noi-de-hinh-thanh-he-sinh-thai-kinh-te-manh-post860392.html