Kết nối doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gạo, nông sản qua Cảng Quốc tế Long An
Sở Công Thương vừa kết nối doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn trong và ngoài tỉnh với Cảng Quốc tế Long An. Qua đó, giúp DN được cung cấp những giải pháp tối ưu khi sử dụng dịch vụ logistics trọn gói, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa khi TP.HCM tăng phí hạ tầng cảng biển trong thời gian tới.
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí
Tại Cảng Quốc tế Long An, Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh vừa có buổi kết nối DN chuyên doanh XNK gạo, nông sản, thực phẩm, logistics với Ban lãnh đạo Cảng. Trước đó, Sở Công Thương cũng có buổi kết nối DN chuyên doanh về phân bón.
Cảng Quốc tế Long An hiện có một số dịch vụ vận chuyển hàng hóa, XNK hàng hóa gồm phân bón, thức ăn gia súc, gia súc, sắt thép, hàng lỏng, hạt điều,... Do cảng đi vào hoạt động chưa lâu, không nhiều DN tham gia XNK tại đây vì nhiều lý do. Trong khi đó, Long An hiện tại có nhiều DN tham gia XNK, chủ yếu giao dịch tại Cảng Cát Lái, Cái Mép. Dự kiến đến ngày 01/4/2022, TP.HCM thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế. Mức phí thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, với mức thu phí như thế, DN sẽ tăng chi phí đầu vào, đầu ra sản phẩm. Vừa qua, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tăng cường kết nối DN giao dịch XNK với Cảng Quốc tế Long An nhằm phát huy tiềm năng vốn có của cảng. Đồng thời, khi DN tham gia XNK hàng hóa tại Cảng Quốc tế Long An sẽ có nhiều thuận lợi, không phải vận chuyển nhiều lượt để đến những cảng xa hơn. DN trong các khu, cụm công nghiệp và khu vực lân cận Cảng Quốc tế Long An sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí logistics vùng nội địa, góp phần giảm ách tắc giao thông lưu thông qua TP.HCM. Qua đó, DN thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, ngành Giao thông và Vận tải nhằm hạn chế phương tiện giao thông trên đường bộ.
Doanh nghiệp muốn xuất, nhập khẩu hàng hóa thuận tiện
Công ty TNHH San Hà (Cty San Hà) là đơn vị chuyên kinh doanh, giết mổ gia cầm, thủy cầm, có hệ thống phân phối rộng trên địa bàn tỉnh Long An cũng như TP.HCM. Ngoài giết mổ, Cty San Hà còn tham gia nhập khẩu các loại thịt về phân phối cho hệ thống bán lẻ.
Tổng Giám đốc Cty San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, hiện Cty nhập khẩu các loại thịt bình quân từ 50-100 tấn/tháng thông qua Cảng Cát Lái. Cty đã đầu tư hệ thống trang trại chăn nuôi gia cầm tại Long An và đang mở rộng quy mô lớn hơn. Với quy mô này, Cty mong muốn chuyển hướng về Long An chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tham gia XNK đến nhiều nước trên thế giới thông qua Cảng Quốc tế Long An.
Hiện tại, việc nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Cát Lái gặp nhiều khó khăn, ùn ứ hàng hóa do quá tải, tắc đường. Nhiều chuyến hàng về đến Cảng nhưng 1 tuần mới có thể chuyên chở về kho. Thời gian qua, Cty San Hà có gợi ý đối tác XNK vận chuyển về cảng nhưng họ đều thông tin chưa thể thực hiện do luồng sông nước chưa sâu, tàu lớn không về được. Với quy mô vốn có, cảng cần đầu tư rốt ráo để có thể tiếp nhận hàng hóa từ các tàu lớn, giúp DN thuận lợi hơn. Cảng cần đầu tư thêm kho lạnh để hỗ trợ DN.
Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) - Huỳnh Thị Ngọc Mỹ cho rằng, hiện nay, nguyên liệu sản xuất của Cty nhập khẩu khá nhiều và sản phẩm thành phẩm xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Nếu được xuất, nhập qua Cảng Quốc tế Long An sẽ thuận tiện nhiều về khoảng cách. Tuy nhiên, cũng giống nhiều DN khác, Lafooco muốn biết rõ sự khác biệt khi XNK tại cảng về chi phí, về dịch vụ so với Cảng Cát Lái.
Qua thực tế, bà Ngọc Mỹ chia sẻ đường đến cảng thuận tiện nhưng mặt đường nhỏ so với tiềm năng. Trong tương lai, khi DN tham gia XNK tại cảng nhiều hơn, ách tắc giao thông sẽ có. Chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng mở rộng đường giao thông để DN thuận lợi vận chuyển hàng hóa.
Doanh nghiệp sẽ thuận tiện xuất, nhập khẩu
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, tất cả ý kiến từ DN đều đúng thực tế hiện nay của Cảng Quốc tế Long An. Hiện nay, chính quyền tỉnh đã đầu tư Đường tỉnh 830 kết nối hầu hết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cảng. Bên cạnh đó, cảng đang dần hoàn thiện nhiều hạng mục, DN có thể khai thác, sử dụng, qua đó giảm chi phí vận chuyển hàng hóa khi TP.HCM tăng phí hạ tầng cảng biển trong thời gian tới.
Tỉnh đã có kế hoạch mở rộng Đường tỉnh 830 mỗi bên thêm 10m. Ngoài ra, tỉnh cũng đang chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4, trục đường động lực để kết nối với cảng. Đồng thời, tỉnh đang tiến hành các bước thành lập Khu kinh tế biển kết nối với cảng, có kế hoạch phối hợp TP.HCM nạo vét đường sông để có thể tiếp nhận tàu 70.000DWT.
Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Long An - Lê Minh Phúc cho biết, cảng đã hoàn thiện chứng nhận ISO 9001:2015, chuyên nghiệp hóa về quản lý và cung cấp những giải pháp logistics trọn gói cho DN. Hiện nay, đơn vị hỗ trợ DN nhiều dịch vụ như kéo hàng trên container từ các cảng khác về Cảng Quốc tế Long An. Khi giao dịch tại cảng, DN sẽ giảm được nhiều chi phí cầu, đường và thời gian.
Hiện nay, Cty Cổ phần Tiếp vận Phước Tạo là đối tác của Cảng Quốc tế Long An. Theo Giám đốc Cty - Võ Thanh Phú, Cty đang phối hợp Cảng Quốc tế Long An tư vấn và cung cấp nhiều dịch vụ trọn gói, giải pháp tối ưu về logistics. Hiện Cty đã thực hiện kéo container từ tàu mẹ cập Cảng Cái Mép, Cát Lái về Cảng Quốc tế Long An. Thời gian kéo 150 container từ tàu mẹ khoảng 4 giờ, kéo về Cảng Quốc tế Long An thêm 8 giờ. Với khoảng thời gian trên, DN sẽ tiết giảm nhiều chi phí về thời gian, vận tải đường bộ. Bình quân 1 container DN sẽ cắt giảm khoảng 6 triệu đồng.
Ngoài ra, Cty còn thực hiện nhiều dịch vụ khác như đóng container, rút hàng từ container,... vận chuyển về nhà máy phục vụ sản xuất. Nếu DN đồng lòng, chuyển hướng tập trung về Cảng Quốc tế Long An XNK sẽ làm cho tàu mẹ đầy tàu, đủ chi phí, từ đó tạo luồng giao thương XNK đi các nước trên thế giới./.