Kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2
(SGTT) – Ngày 20-5, tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đăng cai tổ chức “Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 2 năm 2022”.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Du lịch; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ngành, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TPHCM.
Tại diễn đàn, một trong những nội dung quan trọng nhất được các đại biểu đề cập đến là việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương là những xu hướng đang trở thành chủ đạo.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm gồm du lịch giáo dục dành cho học sinh, thanh thiếu niên theo hướng du lịch kết hợp tìm hiểu nông nghiệp và sự đa dạng sinh vật, bảo vệ môi trường, du lịch phục hồi sức khỏe với các sản phẩm nghỉ dưỡng trong lòng thiên nhiên, kết hợp với thưởng thức ẩm thực và văn hóa địa phương, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và các ngành nghề truyền thống của người dân địa phương.
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, nhấn mạnh đến xu hướng du lịch hậu Covid-19 đã được dự báo trước đây và nay đang trở thành hiện thực, đó là khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL.
Theo ông Huê, việc liên kết giữa TPHCM là nơi có năng lực về chuyên môn, vốn và thị trường, với vùng ĐBSCL giàu tài nguyên thiên nhiên, là việc làm cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Để việc liên kết này trở thành hiện thực, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư. Trong đó quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đón khách du lịch, cần được tính đến.
Ông Huê cũng cho rằng, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp ĐBSCL và TPHCM trong bối cảnh mới, cần có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó có việc hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định.
Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” khiến ngành du lịch các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa tạo được đột phá lớn.
Cụ thể là hạ tầng giao thông của các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, thông suốt, thuận tiện cho khách du lịch. Bên cạnh đó, việc khai thác sản phẩm du lịch tương đồng, trùng lắp giữa các tỉnh…
Theo ông Dương Anh Đức, TPHCM và các địa phương cần tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, thành; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm tạo động lực để doanh nghiệp hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng, kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp của địa phương.
Để ngành du lịch bứt phá và trở thành nền kinh tế trọng yếu, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất hình thành 3 trục phát triển giữa ĐBSCL, TPHCM và các tỉnh miền Đông.
TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc kết nối và hợp tác sâu rộng hơn nữa để cùng nhau đưa ngành công nghiệp không khói phát triển hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng Tháp mong muốn thông qua hoạt động lần này, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là TPHCM và các địa phương vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả.