Kết nối đưa các mặt hàng nông sản đến với người tiêu dùng
Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp, trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng. Chuyển đổi số đã làm thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững hơn.
Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”. Năm 2022, hai đơn vị đã tổ chức khai trương 10 gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản an toàn. Trong đó, có
một gian hàng điểm của Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh và 9 gian hàng tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Các mặt hàng được trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của địa phương. Hàng hóa nông sản được bán qua hai hình thức gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Quangtri. Postmart.vn và bán trực tiếp tại gian hàng nông sản an toàn của hệ thống bưu điện trong toàn tỉnh.
Tình cờ biết đến gian hàng này khi đến bưu điện gửi bưu phẩm, chị Nguyễn Thùy Giang, ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà chia sẻ: “Lâu nay gia đình tôi luôn chú trọng việc mua các sản phẩm nông sản địa phương đã được chứng nhận OCOP, tuy nhiên chỉ biết tìm mua ở các kênh bán lẻ của nhà sản xuất.
Nay tại gian hàng này, khách hàng có thể tìm thấy đầy đủ các loại sản phẩm mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm. Hàng hóa vừa đảm bảo chất lượng, được bán theo giá niêm yết, thuận tiện cho khách hàng rất nhiều”.
Tại bưu điện huyện Hải Lăng, gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản an toàn đã dần trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của nhiều người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bình, ở thị trấn Diên Sanh cho biết, nhiều năm nay ông tin dùng sản phẩm nước cất tỏi của Công ty TNHH tinh dầu Huyền Thoại, Đông Hà.
Những năm trước ông phải nhờ người mua hộ thì nay ông đã có thể dễ dàng mua sản phẩm tại gian hàng kết nối tiêu thụ nông sản đặt tại bưu điện huyện.
“Việc mở ra những gian hàng bán sản phẩm OCOP như thế này giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các sản phẩm đã được chứng nhận về chất lượng, giá thành hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, yên tâm không sợ mua phải hàng giả, hàng nhái. Tôi cũng đã giới thiệu cho người thân mua các sản phẩm uy tín ở đây như nước mắm Mỹ Thủy, ném vùng cát Hải Lăng, gạo hữu cơ, bánh tét Đại An Khê, rượu Kim Long cùng nhiều sản phẩm có chất lượng khác”. Ông Bình nói.
Cùng với việc mở các gian hàng kết nối sản phẩm của người sản xuất đến tay người tiêu dùng, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh đã thu thập thông tin của 35.420 hộ sản xuất nông nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử Quangtri.Postmart với 60 gian hàng của các cơ sở sản xuất thiết lập và 350 sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh Lê Chẩn cho biết: “Sau khi sản phẩm bột đậu xanh tằm của HTX Cổ Mỹ được chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX đã tăng cường tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. HTX đã được Hội nông dân hướng dẫn, hỗ trợ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các gian hàng kết nối sản phẩm nông sản trong tỉnh cũng như đưa lên sàn thương mại điện tử. Từ đó việc tiêu thụ sản phẩm trở nên thuận lợi hơn rất nhiều”.
Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, thực hiện liên kết “6 nhà” gồm nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng và nhà phân phối giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Tổ chức cho nông dân tham gia các hội chợ nông nghiệp do Trung ương Hội tổ chức và 106 đợt trưng bày nông sản an toàn tại các sự kiện ở địa phương giúp nông dân quảng bá sản phẩm. Hội Nông dân tỉnh phối hợp hỗ trợ đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với 31 sản phẩm.
Trong đó huyện Hải Lăng có 4 sản phẩm gồm ném hạt Hải Dương, sen Hải Sơn, bánh tét mặt trăng Hải Thượng, cam K4 Hải Phú; Cam Lộ có các sản phẩm gà Cùa, ổi Cam Lộ, sắn dây Cam Chính; Đakrông có 5 sản phẩm gồm dưa hấu Mò Ó, rượu men lá Ba Nang, rượu cần Hướng Hiệp, lạc, đậu xanh Ba Lòng.
Huyện Triệu Phong có số lượng sản phẩm được hỗ trợ nhiều nhất gồm đông trùng hạ thảo Triệu Độ, gạo huyết rồng Triệu Phước, bưởi thanh trà, bưởi da xanh Triệu Thượng, nem chả, bánh kẹo Triệu Thành, miến ngũ sắc, bột tía tô Triệu Tài. Huyện Vĩnh Linh có gà sạch Vĩnh Chấp, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, dưa hấu Vĩnh Tú; Gio Linh có dưa hấu Phong Bình, rau xà lách xoong, tinh bột nghệ Gio An; Hướng Hóa có chuối Tân Long, măng sấy khô Hướng Phùng, cà phê Khe Sanh.
Để giúp nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Quangtri.Postmart và hệ thống điểm bán hàng của hai bên.
Tăng cường phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng, triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: “Hội sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, phấn đấu mỗi cơ sở hội hướng dẫn, hỗ trợ được ít nhất 1 sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị.
Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa ”.