Kết nối giáo dục Việt Nam-Thái Lan: Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp Phòng Thương mại Thái Lan hôm nay (21/2) đã tổ chức Tọa đàm kết nối giáo dục Việt Nam-Thái Lan nhằm trao đổi về tình hình hợp tác giáo dục đào tạo giữa Việt Nam-Thái Lan và định hướng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Thái Lan-Việt Nam Sanan Angubolkul, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura và đại diện Bộ Sau đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Thái Lan. Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham dự của đại diện khoảng 30 trường đại học danh tiếng ở Thái Lan, cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam, một số công ty tư vấn du học cùng nhiều du học sinh Việt Nam tại Thái Lan.
Phát biểu chào mừng, Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự kiện nhằm nắm bắt nhu cầu, khám phá cơ hội và giải quyết những thách thức trong thúc đẩy hợp tác giáo dục-đạo tạo giữa Việt Nam và Thái Lan.
Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh: “Tôi cho rằng con người là chìa khóa thành công trong mọi hình thức hợp tác. Đó là lý do tại sao chúng ta đang thảo luận về cách thúc đẩy mọi người tham gia vào sự hợp tác của hai nước và cách đào tạo để người dân đóng góp nhiều hơn vào tương lai phát triển của hai nước. Chúng tôi cho rằng giáo dục-đào tạo chính là chìa khóa cho tương lai của mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan".
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul bày tỏ vui mừng khi ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo ở Thái Lan, đồng thời kỳ vọng số lượng du học sinh sẽ tăng lên khoảng 5.000 mỗi năm trong thời gian tới.
Ông Sanan Angubolkul nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng tôi cần sự hỗ trợ từ tất cả các bạn. Đây chắc chắn là một cơ hội rất tốt về mặt học thuật và cũng là thời điểm tuyệt vời để kết nối với các doanh nghiệp ở đây. Điều này sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa cộng động doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Sự hợp tác của chúng ta chắc chắn đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước và tôi chân thành hy vọng chúng ta sẽ có thể tiếp tục tiến lên trong những nỗ lực chung vì sự phát triển của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam Tharabodee Serng-Adichaiwit cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đang và sẽ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực được trang bị nền tảng kiến thức, kĩ năng, văn hóa và hiểu biết về tiếng Thái Lan, Việt Nam và tiếng Anh là rất lớn.
Cũng đồng quan điểm này, bà Napit Teparak, Giám đốc Nhân sự của Công ty Hóa dầu SCG Việt Nam cho biết hiện tập đoàn SCG đang sử dụng tới 15.000 lao động Việt Nam tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này.
Bà Napit chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn hợp tác để cùng thiết kế chương trình đào tạo với các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Với hoạt động kinh doanh của chúng tôi hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi sẽ còn cần nhiều lao động Việt Nam hơn nữa. Một điều nữa là lao động Việt Nam có điểm mạnh rất lớn với những đặc điểm ít quốc gia nào có được như rất siêng năng và không ngừng học hỏi để trau dồi bản thân, có thể nói là nguồn lao động tốt nhất trong bối cảnh môi trường và xu hướng thay đổi liên tục như hiện nay".
Tại phiên thảo luận mở của tọa đàm, các ý kiến tập trung trao đổi về mô hình liên kết và chuyển giao chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục-đào tạo; định hướng và nhu cầu đào tạo của lĩnh vực tư nhân hướng tới phục vụ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam; cách thức nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay; cách thức thu hút du học sinh Việt Nam học tập tại các cơ sở đào tạo ở Thái Lan.
Nhiều ý kiến còn đề cập đến các giải pháp xây dựng chương trình đào tạo, kết nối doanh nghiệp, học tập và thực tập tại doanh nghiệp, các kỹ năng tuyển dụng và các gói học bổng, hình thức hỗ trợ cho du học sinh Việt Nam tại Thái Lan…