Chuyển đổi số trong giáo dục: Người thầy vẫn là then chốt

Chuyển đổi số trong giáo dục không bao giờ khiến người thầy thất nghiệp, bởi trong chuyển đổi số, vai trò của GV không thể mất đi mà còn được nâng cao hơn, yêu cầu khắt khe hơn.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy giáo dục chỉ đạt hiệu quả khi thực sự khai phóng tiềm năng của mỗi người bằng phân hóa, cá nhân hóa, giúp họ thích nghi tốt với xã hội bằng năng lực tự học của bản thân. Và chuyển đổi số (CĐS) là một trong những phương tiện để thực hiện điều này.

TP.HCM đã có đề án mã hóa dữ liệu học tập để tạo ra hệ thống dữ liệu dạy và học. Trên không gian số, người học, người dạy có thể dễ dàng tìm kiếm các nội dung, chương trình học tùy ý và được quản lý bởi mã định danh.

 Bà Chu Thị Cẩm Thơ, Phó Tổng thư ký Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Bà Chu Thị Cẩm Thơ, Phó Tổng thư ký Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Gần đây, khi CĐS diễn ra mạnh mẽ, cơ hội tự học của mỗi người đã trở thành hiện thực. Phương thức giáo dục được chuyển đổi có thể tạo ra những chương trình học tập sát với nhu cầu, năng lực cá nhân. Hơn lúc nào hết, CĐS đã tạo ra môi trường và trực tiếp phát triển năng lực tự học của người học.

Chặng đường hơn 20 năm qua, ngành giáo dục có phong trào “Đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường”, lấy trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Giờ nhìn lại mới thấy quá trình này còn khá chậm trong khi xã hội thay đổi đến chóng mặt.

 Học sinh Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) tham gia một tiết học tại lớp học Google. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) tham gia một tiết học tại lớp học Google. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

CĐS chính là cơ hội để ngành giáo dục chọn mô hình giáo dục kết hợp, thích ứng với các biến động xã hội. Điều này vừa đáp ứng chuẩn giáo dục theo đầu ra, vừa để giáo dục theo các tiêu chí phát triển năng lực cá nhân. Nếu nắm được cơ hội này, chúng ta có thể tạo ra đột phá trong giáo dục, nhất là ở bậc phổ thông. Khi đó, học tập theo nhu cầu và tự chủ học tập sẽ được phát huy tốt nhất.

TP.HCM đang từng bước xây dựng được hệ thống dữ liệu để tổ chức dạy học trên không gian số là điều rất đáng mừng. Khi đó, người học có sự bình đẳng trong tiếp cận dữ liệu và công nghệ với các công dân của thế giới. Học sinh ở khắp nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, những nơi thiếu giáo viên (GV)… cũng có thể tự tìm được chương trình phù hợp.

Trách nhiệm của Nhà nước cũng như địa phương lúc này là phải đầu tư, trang bị được hệ thống dữ liệu, hệ thống công nghệ để tạo nền tảng cho việc đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận với thông tin, nội dung và chương trình giáo dục. Nhưng mặt khác, nếu đã có tư liệu dạy học được số hóa, sẵn sàng cho dạy và học thì người thầy cũng cần phải tích cực để chuyển đổi chính mình.

Để đạt được mục tiêu trường học số thì kỹ năng lao động của toàn thể đội ngũ phải được nâng lên rất nhanh và đều, chứ không chỉ trong tập thể có vài người thành thạo. Những nghiên cứu từ thực tiễn gần đây cảnh báo rằng dù có sự tham gia rất sâu của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo thì người thầy vẫn là then chốt, quyết định chất lượng giáo dục.

 Chuyển đổi số trong giáo dục không bao giờ khiến người thầy thất nghiệp, bởi trong quá trình này, vai trò của GV không thể mất đi mà còn được nâng cao hơn

Chuyển đổi số trong giáo dục không bao giờ khiến người thầy thất nghiệp, bởi trong quá trình này, vai trò của GV không thể mất đi mà còn được nâng cao hơn

Chuyển đổi số trong giáo dục không bao giờ khiến người thầy thất nghiệp, bởi trong CĐS, vai trò của GV không thể mất đi mà còn được nâng cao hơn, yêu cầu khắt khe hơn. Nhu cầu học tập của người học không còn dừng ở học kiến thức mà nâng lên mức phát triển chiều sâu con người xã hội.

Do vậy, GV phải thay đổi quan điểm, nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, tập trung để phát triển con người xã hội cho người học chứ không chỉ nhằm trang bị kiến thức cho người học như trước đây.

Chúng ta đang rất kỳ vọng vào chuyển đổi số trong giáo dục để mỗi GV đều có cơ hội phát triển năng lực con người xã hội cho học sinh, cho học tập suốt đời. Điều đó nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất hiện nay của ngành giáo dục là phải tập trung hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

CHU THỊ CẨM THƠ, Phó Tổng thư ký Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-nguoi-thay-van-la-then-chot-post820659.html