Kết nối giao thông thủy, bộ đồng bằng sông Hồng
Tuyến đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa) và cụm công trình đường thủy kênh nối Đáy - Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức động thổ gói thầu xây dựng cầu vượt kênh đào thuộc cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (địa phận xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Không có cảng biển, khó giàu
Cụm công trình này thuộc dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ - dự án WB6), có 4 hạng mục (gói thầu) xây dựng chính: tuyến kênh dài khoảng 1 km nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ, chiều rộng đáy kênh 90-100 m; âu tàu có kích thước trong buồng âu rộng 17 m, dài 179 m và cao độ đáy -7,0m; cầu bê-tông cốt thép, tĩnh không 15 m, dài 778 m, đường dẫn 1.497 m, nằm trên đường tỉnh 490 C và vượt kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ; hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc... Dự kiến, cụm công trình hoàn thành vào giữa năm 2022.
Đại diện chủ đầu tư, ông Dương Thanh Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT), cho biết dự án WB6 được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang và Quảng Ninh. Đây là dự án đầu tư phát triển lớn nhất về hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, gồm vốn vay WB 170 triệu USD và đối ứng trong nước; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang của sông Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) thuộc dự án WB6 đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải đi qua cửa sông Ninh Cơ dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, cửa sông Đáy phía tỉnh Ninh Bình bị bồi lắng thường xuyên, khó cải tạo để tàu lớn ra vào. Vì thế, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và WB đã ký Hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của WB là 78,74 triệu USD.
Theo ông Hưng, sau khi đưa cụm công trình vào khai thác sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang, giúp tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Phúc, Ninh Bình, thúc đẩy phát triển vận tải thủy tại khu vực.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng những tỉnh không có cảng, phần lớn là nghèo, rất khó giàu. Ngược lại, như tỉnh Hà Tĩnh trước đây cũng rất nghèo nhưng sau khi có cảng Vũng Áng lớn nhất cả nước, tàu 300.000 tấn vào được thì khác hẳn. Năm 2020, cảng đón khoảng 40 triệu tấn hàng và tỉnh Hà Tĩnh dự kiến thu ngân sách 15.000 tỉ đồng. Từ đó, ông Nhật mong muốn tỉnh Nam Định quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy, cảng biển, cảng sông; khai thác hiệu quả cụm công trình kênh đào nối 2 sông Đáy - Ninh Cơ, cũng như cửa Lạch Giang, góp phần phát triển vận tải thủy trên địa bàn.
Kết nối Bắc Bộ và Trung Bộ
Ngày 19-11, Bộ GTVT cũng phối hợp tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đồng loạt triển khai thi công 3 gói thầu đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km, quy mô 6 làn xe, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 là 4 làn xe; tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng.
"Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ tỉnh Ninh Bình đến Thanh Hóa, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc, miền Trung, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn trên QL1; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với khu vực miền Trung cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, của Ninh Bình, Thanh Hóa" - ông Thọ nhận định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, dự án tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 có ý nghĩa quan trọng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối Ninh Bình, Thanh Hóa với các trung tâm kinh tế, chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm trên trục Bắc - Nam. Ông Thạch khẳng định: "Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án ngay trong năm 2020, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thầu trong quá trình thi công dự án. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công".
Trước đó, ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công 2 gói thầu trong dự án tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nhấn mạnh "không có giao thông thì khó phát triển được đất nước", Thủ tướng lưu ý các địa phương sau khi có đường cao tốc, cần triển khai ngay các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tính toán việc kết nối đường cao tốc các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tạo động lực cho phát triển
Ông Shigeyuki Sakaki, Trưởng Ban Giao thông của WB tại Việt Nam, đánh giá dự án kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ là giải pháp kết nối tích cực hệ thống đường thủy hiện có, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy qua cửa Lạch Giang để kết nối với các cảng thủy trên sông Đáy và sâu hơn trong nội địa.
"Tuyến kênh đào này sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm 20% thời gian di chuyển của phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến cảng thủy Ninh Phúc, góp phần cải thiện chi phí vận tải thủy và tạo động lực tốt cho phát triển vận tải thủy và kinh tế - xã hội tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ" - ông Shigeyuki Sakaki nói.