Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc
TP Móng Cái, Quảng Ninh vừa tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc.
Phát triển, hợp tác kết nối song phương
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến & Phát triển thị trường (Bộ NN&PT) thông tin: “Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023. Thông qua Diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các Doanh nghiệp, thương nhân, các Hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đồng thời đề xuất các giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại”.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch TP Móng Cái (Việt Nam), cho biết: TP Móng Cái đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có một lượng lớn 3 hàng hóa nông, lâm, thủy sản của doanh nghiệp, của nông dân từ các địa phương trên cả nước sản xuất được xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng sang thị trường Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua Móng Cái liên tục tăng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng cao, bền vững trong tổng kim ngạch. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong giai đoạn 2010-2023 đạt trên 45 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,5%/năm (giai đoạn 2018-2023, kim ngạch XNK đạt 21,33 tỷ USD). 09 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ 2022 (trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 800 triệu USD); thu hút 496 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 925 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa XNK trên địa bàn.
Mở ra nhiều cơ hội giao thương buôn bán
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lý Kiện, Thị trưởng Chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc), nhấn mạnh: TP Đông Hưng luôn coi trọng việc phát triển thương mại qua biên giới. Tại diễn đàn, ông Phó Chính Hoa, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thành ủy, Chính quyền nhân dân TP Phòng Thành Cảng, Trung Quốc chia sẻ: Là đặc khu kinh tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có thị trường thương mại biên giới lớn nhất miền Bắc Việt Nam và là TP cửa khẩu có vị trí vô cùng chiến lược ở Việt Nam. Với việc hoàn thành và đưa vào hoạt động của nhiều công trình trọng điểm như Đường cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, Cầu sông Bắc Luân số 2, Cảng nội địa Thành Đạt và Cảng tổng hợp Vạn Ninh, vị trí, địa lý, giao thông và các lợi thế khác của cửa khẩu Móng Cái càng trở nên nổi bật, trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng cho việc xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Để có thể tận dụng các lợi thế về năng lực sản xuất, cung ứng hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu thủy sản rất lớn của Trung Quốc cùng với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi của TP Móng Cái tỉnh Quảng Ninh (cả đường bộ, đường biển và đường hàng không), TP Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) hy vọng cả hai sẽ phát huy tối đa lợi thế của mình, tăng cường hợp tác cửa khẩu, cùng tạo ra dịch vụ tốt hơn, hiệu suất cao hơn và môi trường thương mại cạnh tranh hơn, đồng thời cùng nhau xây dựng cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc - Móng Cái, Việt Nam thành kênh thương mại quốc tế hai chiều về nông, lâm, thủy sản Trung Quốc - Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đông Hưng và Móng Cái.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sẽ có thể nhập khẩu qua cửa khẩu Đông Hưng (Cầu Bắc Luân II) và Cặp chợ thương mại biên giới Cầu Phao. Việc này sẽ nâng cao tính đảm bảo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, nhằm thu hút tăng sản lượng thương mại qua biên giới về nông, lâm, thủy sản giữa hai bên. Hiện tại, Trung Quốc và Việt Nam có nền tảng vững chắc cho sự hợp tác hữu nghị, triển vọng phát triển thương mại song phương rộng lớn và lợi ích từ chính sách thương mại phong phú. Điều đó sẽ mang đến những cơ hội phát triển chưa từng có cho hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tại Đông Hưng, Trung Quốc và Móng Cái, Việt Nam.