Kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng
Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng sẽ nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiệu quả cao từ liên kết chuỗi
Với mục đích liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, năm 2018, 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã cùng góp vốn, đất sản xuất thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười để trồng nhãn, xoài theo quy trình VietGAP.
Hiện nay, HTX có 14 thành viên, sản xuất 30 ha nhãn, 15 ha xoài; năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng trên 465 tấn. Để tiêu thụ sản phẩm, HTX tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh tổ chức; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thương lái lớn. Năm 2020, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác lớn, như Công ty cổ phần phân bón Fusa Hải Dương, cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm cho HTX; Công ty Syngenta cung cấp thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, chia sẻ, tham gia chuỗi liên kết, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản dễ dàng hơn, không còn là nỗi lo được mùa mất giá như trước; việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các thành viên HTX chuyên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng để giao sản phẩm cho khách hàng theo tiêu chuẩn.
Là một trong những doanh nghiệp nước giải khát lớn của Việt Nam, một trong những sản phẩm nổi tiếng của Tân Hiệp Phát là Trà Xanh Không Độ được ra đời từ chuỗi liên kết từ nhà sản xuất (Tân Hiệp Phát) đến nhà cung cấp, hợp tác xã trồng chè, hộ nông dân đến nhà phân phối, đại lý bán lẻ. Sự chung tay, hợp lực của nhiều mắt xích đã tạo ra một sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng là minh chứng cho thấy tính hiệu quả của gắn kết các mắt xích trong chuỗi phát triển bền vững.
Ông Đặng Quốc Thăng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chè Minh Phương (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên), một nhà cung cấp trà nguyên liệu cho Tân Hiệp Phát chia sẻ, mỗi năm công ty chuẩn bị 1.600-1.700 tấn trà bán thành phẩm xuất đi làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm Trà Xanh Không Độ. Để có được sản lượng này, công ty liên kết với các hợp tác xã trồng chè trong vùng, đặt bao tiêu sản phẩm, đưa ra quy trình trồng chè đạt theo tiêu chuẩn của khách hàng.
“Tân Hiệp Phát là khách hàng lớn, đồng hành với họ, chúng tôi có sự yên tâm, cùng phối hợp chặt chẽ với các hộ nông dân, hợp tác xã để đầu tư hạ tầng, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây chè theo kỹ thuật mới nhất để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Hiện nay Công ty Chè Minh Phương đang hợp tác với 10 hợp tác xã, mỗi hợp tác xã có khoảng 800 hộ nông dân trồng chè cung cấp nguyên liệu dùng cho sản xuất Trà Xanh Không Độ”, ông Đặng Quốc Thăng chia sẻ.
Đó là những mô hình điển hình về hiệu quả của hoạt động liên kết theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ triển khai thời gian vừa qua. Theo Liên minh HTX Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Tính chung, cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tích cực vào cuộc để xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế rất cao, như: mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh (tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm), mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha)…
Đáng chú ý, các chuỗi sản xuất, tiêu thụ của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Trung Nguyên, Tập đoàn Phúc Sinh, Tập đoàn Lộc Trời... đã giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã liên kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Nhờ đó, mỗi năm, Tập đoàn có lượng lớn gạo chất lượng cao xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, giá bán các sản phẩm gạo tại EU đang ở mức rất khả quan.
Năm 2024, Tập đoàn tham gia Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm. Tham gia cùng tập đoàn, nông dân được đầu tư toàn bộ giống, vật tư đầu vào với tiêu chí đúng, đủ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường. Nông dân sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ: máy gặt, máy cày, máy cuộn rơm, máy sạ... với tiêu chí sản xuất là mặt ruộng không dấu chân. Nông dân được nợ chi phí đến cuối vụ và khấu trừ vào tiền bán lúa. Đây được gọi là tiêu chí canh tác không dùng tiền mặt của tập đoàn. Từ đó, tiếp tục nâng cao đời sống người dân và gia tăng giá trị xuất khẩu gạo.
Song song với đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nông sản cũng giúp sản phẩm nông sản không ngừng nâng cao giá trị và được thế giới biết đến. Xuất khẩu nông sản dần chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt trên 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Gia tăng liên kết chuỗi, nâng cao giá trị nông sản
Dù đã có nhiều thành quả song theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản còn có những hạn chế và khó khăn nhất định, như: liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu và giữa các khâu trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo (mối liên hệ giữ các nông hộ với tổ hợp tác hay HTX chưa hình thành chuỗi cung ứng và tiêu thụ tập trung; chưa hình thành liên kết để thống nhất về giá cả và chất lượng; có nơi đã hình thành liên kết nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, chưa gắn kết, chia sẻ rủi ro và lợi ích lâu dài…).
Trên thực tế, dù nhiều HTX và doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, song hiện chưa có nhiều các HTX, doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng, tạo ra giá trị khác biệt trên thị trường. Một số doanh nghiệp, HTX dù có nỗ lực tổ chức liên kết, phát huy tốt vai trò cầu nối để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên số lượng cũng chưa nhiều. Số lượng các doanh nghiệp xây dựng được các chuỗi liên kết như Lộc Trời, Phúc Sinh, Trung Nguyên... còn hạn chế.
Theo các chuyên gia, để tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.
Ông Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ và manh mún, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản thấp, chuỗi giá trị thực phẩm nông sản chưa phát triển - ông Viên nhận định.
Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ các FTA ở khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN…
Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều thách thức lớn, như: giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát - ông Thủy nhận định.
Song song với đó, cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như, hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường xuất khẩu.
Bảo Ngọc
Đồ họa: Ngọc Lan
Bảo Ngọc