Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kích cầu sản xuất, kinh doanh
Thanh khoản dồi dào, các ngân hàng thương mại rất muốn đẩy vốn ra thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp (DN) hiện lại không nhiều do mặt bằng lãi suất vẫn còn tương đối cao, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang gặp khó bởi sức cầu yếu.
Các DN nỗ lực duy trì sản xuất song chưa mở rộng quy mô, bởi sức cầu thị trường yếu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May Bình Dương (TP.Thuận An)
Nhu cầu thấp
Trên thực tế, khó khăn đang bủa vây các DN, nhất là DN nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Các ngành sản xuất chủ lực đều sụt giảm mạnh, chẳng hạn ngành dệt may, thủy sản giảm 30% so với cùng kỳ, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm tới 40%... Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản đóng băng đã kéo theo sắt thép, xi măng… sụt giảm, hoạt động kinh doanh của DN dường như khựng lại.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết trong bối cảnh sức cầu thị trường yếu, DN không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh mà chỉ có nhu cầu vay để cầm cự và cần dòng tiền lưu động ngắn hạn để duy trì hoạt động. Vì vậy, ngành ngân hàng nên có chính sách khoanh, hoãn nợ để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mặt khác, với lãi suất trung dài hạn trên 10% như hiện nay sẽ không có DN nào dám vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn, cũng như “mềm hóa” các chính sách liên quan đến vấn đề thế chấp tài sản bảo đảm để hỗ trợ DN thực chất.
Đồng quan điểm, Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần May Quốc tế (TX.Bến Cát), cho biết với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, công ty đã cố gắng giảm các khoản vay ngân hàng. Bởi lẽ, đối với một DN sản xuất trong ngành may mặc, mức lãi ròng cao là một áp lực quá lớn. Do đó, DN buộc phải cân nhắc tính hiệu quả trong việc vay vốn ngân hàng ở thời điểm này.
Các DN đều cho rằng bên cạnh sự tiếp sức từ ngân hàng là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Đặc biệt, với những DN quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…
Hài hòa lợi ích
Trao đổi với chúng tôi về tình hình cho vay của các ngân hàng thương mại trong thời điểm hiện nay, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, Bình Dương cũng không ngoại lệ. Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và những thách thức từ bên ngoài như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng…
“Lãi suất ở mức cao và xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến tăng trưởng suy giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế. Tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Số lượng DN rút khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể) trong các tháng đầu năm 2023 tăng. Các DN còn hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn như không có/giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng…”, ông Võ Đình Phong phân tích.
Cũng theo ông Võ Đình Phong, những khó khăn trên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng nói riêng. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng tại Bình Dương ước chỉ đạt 3,63%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế (mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 30-6- 2023 so với cuối năm 2022 là 4,73%).
Trước những khó khăn đó, ông Phong cho biết Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương nỗ lực thực hiện một số giải pháp trong thời điểm hiện nay để hỗ trợ DN. Các ngân hàng thực hiện rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để bảo đảm an toàn vốn khi thực hiện mở rộng tín dụng; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng để phục vụ khách hàng; chủ động triển khai, tăng cường kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, sản phẩm tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ gặp những trở ngại như rủi ro về lạm phát vẫn chực chờ, tác động đối với tỷ giá hối đoái khi lãi suất của đồng USD tại nhiều nền kinh tế lớn khác vẫn chưa giảm hoặc thậm chí còn tăng. Do đó, gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp hồi phục, củng cố và phát triển tổng cầu sẽ khiến nguồn vốn tín dụng chuyển tải đến các dự án sản xuất, kinh doanh thiếu bền vững về tài chính, không chắc chắn về phương án trả nợ.