Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại
Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương cho biết, hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, nguồn cung đã có, nhu cầu tăng cao, thời gian qua, việc kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm thực hiện, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trên cả nước.
Là một trong những doanh nghiệp thực phẩm chủ lực, đồng hành kết nối thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chia sẻ, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, công ty có các trang trại chăn nuôi hiện đại, hệ thống sản xuất khép kín từ con giống đến bàn ăn và các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại cả nước có trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn và đặc biệt ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô rộng khắp trên cả nước như Hệ thống Big C & Go, Hệ thống chuỗi siêu thị CO.OP, hoặc hệ thống siêu thị Mega Market…
Đây là một tín hiệu tích cực cho việc kết hợp sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại của C.P. Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, tới đây, Bộ Công Thương cần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm xây dựng môi trường sản xuất thực phẩm an toàn và người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm chế biến.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp đã thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong thời gian qua. Việc phát triển bền vững sẽ đem lại giá trị đích thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Nestle Việt Nam đưa ra mô hình phát triển bền vững, tái sinh, tập trung vào chống biến đổi khí hậu, thu mua có trách nhiệm, có bộ nguyên tắc tiêu chí thu mua, làm sao toàn bộ chuỗi cung ứng giảm phát thải nhất và thực hiện nông nghiệp tái sinh, bảo tồn nguồn nước, phát triển bao bì bền vững…
“Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi 100% ống hút cho sản phẩm uống liền từ nhựa dùng 1 lần bằng ống hút giấy từ nguồn trồng rừng bền vững”, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (Siêu thị GO! BIG C, Top Market) cho biết, bên cạnh hoạt động trọng yếu là bán lẻ là phát triển kinh doanh, Central Retail rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, có nhiều hơn sản phẩm xanh, bao bì xanh ở nhiều ngành hàng…Đây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong làm việc với các nhà cung cấp. Theo bà Phương, hiện nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi nilon, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.
“Tại các điểm gần vị trí gửi xe, chúng tôi cùng các đối tác đặt các máy thu gom tái chế từ chai nhựa hay lon nhôm, hướng dẫn khách hàng phân loại rác tại nguồn… Ngoài hài lòng với dịch vụ, sản phẩm, nhưng khách hàng còn hài lòng vì họ đã đóng góp và chung tay một phần cho phát triển tiêu dùng xanh và bền vững. Chúng tôi không chỉ là doanh nghiệp bán lẻ mà còn là doanh nghiệp phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, bà Lê Thị Hà, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, thương mại điện tử cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang là phương thức kinh doanh phổ biến làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay.
Để quản lý an toàn thực phẩm trong thương mại điện tử thời gian tới, bà Lê Thị Hà đề xuất ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Hà, cần tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.