Kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may

Dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại có nhiều bấp cập như sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều năng lượng… Vấn đề đặt ra là phải phát triển ngành này theo hướng hiện đại hóa và thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng Thủ đô.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng Thủ đô.

Sáng 11-10, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực dệt may thành phố Hà Nội năm 2019”.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nêu rõ: Đây là một hoạt động để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 206/KH-UBND về hành động thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020.

Tham gia mạng lưới là những đơn vị trong lĩnh vực dệt may từ cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, đáp ứng 11 tiêu chí như: Hàm lượng Formaldehit và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm thấp hơn mức giới hạn theo Quy chuẩn của Bộ Công thương; có hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý môi trường; thiết bị quy định dán nhãn năng lượng được dán nhãn từ ba sao trở lên.

Bên cạnh đó phải có giải pháp thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải trong sản xuất; nhãn mác sản phẩm đầy đủ thông tin; hệ thống phân phối có quy trình nhập hàng, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi nhập kho; thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nước trong hệ thống phân phối; có giải pháp giảm phát thải bao bì, túi nhựa, ni lông, thay thế dần bằng bao bì, túi thân thiện với môi trường; khách hàng mua sản phẩm thân thiện môi trường được tích điểm của hệ thống phân phối…

Chủ tịch Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho biết, những năm qua, ngành dệt may luôn là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Doanh thu xuất khẩu ngành dệt may năm 2018 đạt 30,4 tỷ USD, chiếm 13% giá trị xuất khẩu các mặt hàng của cả nước. Tuy nhiên ngành này lại sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm và tốn nhiều năng lượng. Vì vậy, phát triển ngành dệt may theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm phát thải, chất thải, bảo vệ môi trường là cách để doanh nghiệp dệt may tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc kết nối các đơn vị trong mạng lưới, chương trình còn tổ chức hai buổi hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành dệt may TP Hà Nội” và “Triển khai mạng lưới kinh doanh xanh trong lĩnh vực phân phối ngành dệt may TP Hà Nội”.

Để chung tay xây dựng Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sở Công thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia. Qua đó góp phần sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, góp phần thúc đẩy đất nước sớm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41867702-ket-noi-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-nganh-det-may.html