Kết nối thông tin, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Từ tháng 7 năm 2022 Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức 'Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài'.
Tương tác hằng tháng
Cũng vẫn là hệ thống 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ ở nước ngoài, nhưng trong tình hình mới, thương vụ không chỉ gửi thông tin, báo cáo định kỳ (mang tính một chiều) về nước, mà theo quyết định của Bộ trưởng, tổ chức giao ban xúc tiến thương mại (trao đổi, mang tính hai chiều) hằng tháng giữa thương vụ với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin về thị trường mới và các khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp.
Cũng vẫn là khai thác cơ hội từ các thị trường FTA, nhưng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể. Trong các cuộc giao ban, hay làm việc tại các địa phương, cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn thường nói rằng, thước đo về hội nhập không phải là ký kết, thực hiện bao nhiêu hiệp định FTAs, mà vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tới đâu, khai thác cơ hội từ các FTAs đến mức nào?
Tại một hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU – cho hay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường... Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch.
Tham tán Trần Ngọc Quân cũng lưu ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải, chanh leo…. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lô hàng thực phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm hoặc có vấn đề về xuất xứ. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU. Ông Phùng Văn Thành, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin, hiện nay, Philippines có Tổng thống mới rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong nước, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi Việt Nam xuất khẩu vào Philippnes chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên.
Tham tán, thương vụ cũng là kênh cảnh báo để tránh vụ việc phòng vệ thương mại. Cũng trong một hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, kịp thời thông tin: “Dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu”; “Hiện nay, các biện pháp điều tra ngày càng đa dạng, mở rộng, gắn với nhiều vấn đề, kể cả vấn đề về kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị. Đơn cử như các vụ việc liên quan đến mặt hàng mật ong, thép, gỗ dán cứng… bị điều tra gần đây cho thấy Chính quyền và doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến vấn đề này khi xuất siêu Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng. Do đó, doanh nghiệp và các cơ quan trong nước cần đặc biệt lưu ý”.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung đánh giá cao vai trò của Thương vụ trong việc xử lý các vụ phòng vệ thương mại, thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu, khả năng về việc điều tra phòng vệ thương mại; kết nối chuyển tải ý kiến từ Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần liên hệ, bày tỏ ý kiến trực tiếp với Cơ quan điều tra; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với ngành sản xuất của nước khởi kiện…
Tại các hội nghị hằng tháng, đại diện Hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp cùng thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Tinh thần trao đổi, tương tác nhiều chiều đã khích lệ các địa phương, doanh nghiệp và chuyển thành tâm thế làm việc chủ đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ. Các đơn vị chức năng đã cung cấp, cập nhật thường xuyên cho doanh nghiệp các thông tin tình hình thị trường, những biến động và thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại, cũng như khuyến nghị những biện pháp vượt qua hàng rào kỹ thuật, vượt qua các công cụ bảo hộ mậu dịch mới…
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Tại các hội nghị từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhấn mạnh đến trách nhiệm công vụ của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, phải có nhiều hình thức, biện pháp cụ thể hơn nữa trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp mở rộng, , chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Trên thực tế, hoạt động của hệ thống thương vụ kể từ khi có quyết định giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, bắt đầu từ tháng 7/2022 sôi nổi hơn rất nhiều. Thương vụ không chỉ cập nhật tình hình thị trường nước ngoài; thông tin những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hay khuyến nghị các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà trong những trường hợp cụ thể, còn sẵn sàng thay doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. Chúng ta đều biết từ năm 2021 sản phẩm thanh long Bình Thuận đã được bày bán tại các siêu thị Pakistan nhưng do phải nhập số lượng nhỏ từ Dubai qua đường hàng không nên giá bán lẻ quá cao so với giá xuất khẩu của Việt Nam (8 USD/kg so với 1,2 USD/kg). Vì vậy có thể thấy thanh long Bình Thuận cũng chưa thành công tại thị trường này.
Tại Hội chợ Quốc tế “My Karachi-Oasis of Harmony” 2023 vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia với nhiều sản phẩm đặc sắc, nhưng không có sản phẩm thanh long. Để không bỏ lỡ cơ hội, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã tự đứng ra “thay mặt doanh nghiệp” tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm thanh long xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thương vụ Việt Nam tại Pakistan, để có nguyên liệu tổ chức hoạt động quảng bá, Thương vụ phải đặt mua thanh long ruột đỏ từ Việt Nam và thanh long ruột trắng nhập khẩu từ Dubai. Một thiếu nữ Việt kiều duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam được huy động để tiếp khách và giới thiệu quảng bá sản phẩm thanh long.
Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc hội chợ, gian hàng Việt Nam đã nổi bật với giỏ thanh long đỏ tươi được trưng bầy bắt mắt. Và chỉ sau một thời gian ngắn sản phẩm thanh long Việt Nam đã nổi tiếng toàn hội chợ. Khách tham quan nườm nượp kéo đến. Ban tổ chức hội chợ đã phải đến gian hàng Việt Nam đăng ký đón các đoàn lãnh đạo cao cấp và đoàn ngoại giao. Sản phẩm thanh long Việt Nam không chỉ chiếm được cảm tình của hầu hết khách tham quan mà còn trở thành sự kiện nổi bật nhất của Hội chợ Quốc tế “My Karachi-Oasis of Harmony” 2023, góp phần nâng cao uy tín của hội chợ đối với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền sở tại.
Câu chuyện của thương vụ Việt Nam tại Pakistan không phải là trường hợp hy hữu. Thương vụ Việt Nam từ nhiều thị trường cũng có những cách thức khác nhau, hoặc làm trực tiếp, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam tiến thêm những bước quan trọng trên con đường thâm nhập vào thị trường phụ trách. Nhưng việc “thay mặt doanh nghiệp”quảng bá sản phẩm thanh long xuất khẩu của Việt Nam của thương vụ Việt Nam tại Pakistan là câu chuyện điển hình cho phong cách, tác phong, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ngành Công Thương mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu trong Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP: “Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.