Kết nối tiêu thụ, hướng người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt
Đồng chí Hoàng Công Thủy (thứ hai từ phải qua) kiểm tra các sản phẩm OCOP và đặc sản Phú Yên được bày bán rất nhiều tại Siêu thị Vmart. Ảnh: THÚY HẰNG
Đó là định hướng của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) do đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ làm trưởng đoàn vừa có các hoạt động kiểm tra kết quả thực hiện CVĐ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn Phú Yên.
Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ đã đi kiểm tra thực tế tại Vmart (Công ty TNHH Thương mại Vi Long) và Co.opmart Tuy Hòa (Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên) - nơi trưng bày, bán các sản phẩm hàng Việt, sản phẩm OCOP và các đặc sản của tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các điểm kinh doanh này, phần lớn hàng Việt Nam chiếm ưu thế với hơn 90% và được người tiêu dùng lựa chọn nhờ chất lượng, mẫu mã, giá cả rất cạnh tranh so với hàng ngoại.
Đặc biệt, công tác bình ổn thị trường thực hiện có hiệu quả, các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đủ lượng hàng hóa dự trữ, hệ thống phân phối từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, nhất là thị trường nông thôn.
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch thường trực MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam cho biết, CVĐ trên địa bàn tỉnh năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, từng cấp, ngành đều xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai CVĐ nên đã thu hút sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của đoàn viên, hội viên, người dân và doanh nghiệp về CVĐ, nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối thương mại… đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Đặc biệt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng 45 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và địa phương; xây dựng 47 cửa hàng tiện lợi để qua đó tạo kênh bán lẻ hàng Việt đến người tiêu dùng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tiến hành khảo sát các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tổng hợp trên cơ sở đăng ký của các địa phương để hỗ trợ bảng hiệu tuyên truyền điểm bán hàng Việt. Dự kiến đến cuối năm sẽ hỗ trợ gắn biển từ 6-8 điểm bán hàng Việt tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phát triển mới 4 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Co.opfood, nâng tổng số lên 12 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Co.opfood và 47 cửa hàng tiện lợi thuộc các cơ sở kinh doanh khác, qua đó góp phần đa dạng hóa các kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa để cung cấp cho người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
“Thông qua công tác tuyên truyền cũng như phát triển các điểm bán hàng Việt cố định như vậy, người dân từng bước nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò to lớn của mình trong thực hiện CVĐ, tích cực tham gia các chương trình mua sắm sản phẩm Việt, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
Cần bảo đảm tính cạnh tranh
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh cũng còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, như công tác thông tin, tuyên truyền, vận động ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng và địa bàn dân cư; vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt.
Một số mặt hàng sản xuất chất lượng chưa cao, giá thành chưa cạnh tranh, chưa đa dạng về mẫu mã, thiết kế cũng như chủng loại để người tiêu dùng lựa chọn. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng việc giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó người dân thiếu thông tin, không tiếp cận hàng hóa…
Còn đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, cho rằng hàng Việt xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, các chợ và cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh, với đa dạng sản phẩm, chủng loại, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam, các đơn vị cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm đi cùng với giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác chống hàng gian, hàng giả để tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng.
Hiện người dân đã ý thức đến việc ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam, đã coi trọng hàng Việt là ưu tiên số 1 cho việc lựa chọn. “Do vậy các cửa hàng, siêu thị của Phú Yên cũng cần nâng cao trách nhiệm về quản lý bảo đảm chất lượng, mẫu mã cũng như nguồn gốc hàng hóa, để người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và lựa chọn mua hàng Việt Nam ngày một nhiều hơn”, đồng chí Hoàng Công Thủy động viên các chủ cửa hàng, siêu thị trong quá trình đi kiểm tra; đồng thời cho rằng cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện CVĐ, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đồng chí Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ đề nghị thời gian tới, các doanh nghiệp tại địa phương tiếp tục phát huy tinh thần của CVĐ, tích cực đẩy mạnh phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin và tự hào cho người tiêu dùng.
Đối với Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh, đồng chí Hoàng Công Thủy đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức, cơ quan nhằm góp phần phục hồi kinh tế, thích ứng với kiểm soát linh hoạt, an toàn. Tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vận động người dân đấu tranh, tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi khác. Chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, đồng thời thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong nước, trước mắt thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong thời gian tới, Phú Yên cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho CVĐ, nhất là ứng dụng nền tảng số trong tuyên truyền; bảo vệ người tiêu dùng, tập trung các hoạt động phân phối, đưa hàng Việt về nông thôn; kết nối tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường, hướng hành vi tiêu dùng vào việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt…