Kết nối việc làm cho lao động miền núi
Những phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tổ chức tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đã mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Học sinh, sinh viên và người lao động tham gia ngày hội việc làm tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa (tháng 5/2023).
Nhiều cơ hội việc làm
Tại ngày hội việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa phối hợp với huyện Ngọc Lặc tổ chức vào tháng 5/2023 đã thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) và người lao động tham gia. 18 tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong tỉnh, trong nước tham gia với nhu cầu tuyển dụng gần 3.100 vị trí việc làm. Anh Phạm Văn Ngát, xã Vân Am (Ngọc Lặc), cho biết: “Ngày hội việc làm tổ chức tại địa phương giúp tôi tìm được việc làm phù hợp với năng lực bản thân”. Còn anh Bùi Văn Hải, ở xã Ngọc Sơn do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên đã lựa chọn các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin. Sau khi tham khảo và được tư vấn, anh quyết định học tiếng Hàn để đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc...
Tương tự, tại phiên giao dịch việc làm cho người lao động huyện Bá Thước được tổ chức trong tháng 9 vừa qua đã thu hút hơn 300 người lao động, HSSV tham gia. Tại đây, các nhà tuyển dụng đã kết nối, chia sẻ về yêu cầu tuyển dụng, những chính sách ưu đãi, môi trường làm việc, thu nhập... để người lao động tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thị trường XKLĐ. Từ đó lựa chọn cho mình công việc phù hợp hoặc định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như lựa chọn ngành nghề, trường nghề phù hợp theo học.
Với huyện Thường Xuân, phần lớn người lao động chưa qua đào tạo, không có tay nghề nên thu nhập chưa cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong năm 2023, Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Sở LĐ-TB&XH và huyện Thường Xuân tổ chức phiên giao dịch việc làm. Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân, cho biết: Từ công tác tư vấn, hướng dẫn tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp mà nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trước đây chỉ quanh quẩn với nương rẫy, không muốn xa gia đình đã đăng ký đi làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và mạnh dạn đăng ký đi XKLĐ.
Đẩy mạnh kết nối
Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, các sở, ngành liên quan và các địa phương đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh theo chương trình công tác năm và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Công văn số 880/UBND-VX ngày 19/1/2023 về việc hỗ trợ người lao động mất việc làm, ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 16/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và phiên lưu động tại các địa phương. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp...
Phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại các huyện miền núi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Mai Phương
Các giải pháp được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, quyết liệt đã mang lại hiệu quả. Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện 54 phiên giao dịch việc làm, tăng 31,7% so với năm 2022 với 389 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 22.012 người lao động tham gia tuyển dụng. Qua đó, cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157.000 lượt người, kết nối việc làm thành công cho 2.211 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Phối hợp thực hiện hỗ trợ đối với trên 5.700 dự án vay vốn giải quyết việc làm, giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 6.000 lao động.
Thực hiện tiểu dự án 3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trung tâm đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn cho điều tra viên cấp thôn về triển khai thu thập cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc tại các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân. Tiến hành thu thập 4.333 phiếu khảo sát thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động và 830 phiếu khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 6 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại 2 huyện Bá Thước và Lang Chánh. Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại 2 huyện Thường Xuân và Bá Thước. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh nói chung, lao động các huyện miền núi nói riêng. Một số huyện miền núi có nhiều người đi XKLĐ đã làm thay đổi diện mạo làng quê, góp phần vào công cuộc XDNTM và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Kết quả trên còn góp phần làm giảm tỷ lệ thiếu việc làm nông thôn xuống còn 5,8% và giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 31,1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%.