Kết quả Bầu cử Mỹ 2020: Đọc giữa dòng

Hậu Bầu cử Mỹ - Cơ quan dịch vụ công (GSA) thông báo cho ông Biden có thể vận hành quy trình thành lập chính phủ mới, nhưng cũng chưa chính thức tuyên bố ông Trump thất cử. Bình Luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Hậu Bầu cử Mỹ, Cơ quan dịch vụ công (GSA) thông báo cho ông Biden về việc có thể thành lập chính phủ mới. (Nguồn: dailymail)

Hậu Bầu cử Mỹ, Cơ quan dịch vụ công (GSA) thông báo cho ông Biden về việc có thể thành lập chính phủ mới. (Nguồn: dailymail)

BÌNH LUẬN CỦA THẾ GIỚI & VIỆT NAM

Gần 3 tuần sau ngày bầu cử, hơn 2 tuần sau khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ được các hãng truyền thông ở Mỹ xác nhận đắc cử Tổng thống và muộn màng hơn rất nhiều so với thông lệ hành chính từ xưa tới nay ở nước Mỹ, Cơ quan dịch vụ công (GSA) cuối cùng cũng đã chính thức thông báo cho ông Biden về việc có thể vận hành quy trình theo Hiến pháp hiện hành để phục vụ cho việc thành lập chính phủ mới.

Thông báo này không bao hàm sự xác nhận ông Biden đã đắc cử. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump vẫn tiếp tục thể hiện quyết tâm chiến đấu đến cùng để xoay chuyển tình thế, nhưng thông báo của GSA trên thực tế lại đã chính thức khởi động quá trình quá độ từ chính phủ sắp mãn nhiệm sang chính phủ sắp nhậm chức.

Chừng nào ông Trump chưa công khai công nhận đã thất cử thì chừng đó chưa thể có chuyện GSA chính thức xác nhận ông Biden đã đắc cử.

Cứ theo tính cách cá nhân và mức độ thâm thù của ông Trump đối với phe đảng Dân chủ mà suy thì người này dẫu rồi đây có bị buộc phải rời Nhà Trắng thì cũng vẫn sẽ không chịu công nhận đã bị thua ông Biden, với nhiều lý do và mục đích khác nhau.

Ông Trump buộc phải có động thái này vì nhận thấy rằng cuộc chiến pháp lý sau bầu cử đã trở nên ngày càng thêm vô vọng, đặc biệt sau khi bang Georgia và Michigan với tổng cộng 31 đại cử tri xác nhận ông Biden đắc cử.

Ông Trump cũng còn không thể không để ý thấy rằng chủ ý kiên quyết không công nhận thất cử và bất hợp tác với ông Biden đang khuấy lên nguy cơ nội bộ phe đảng Cộng hòa bị phân rẽ và dần tuột khỏi sự cương tỏa của mình.

Vì thế, ông Trump đành buộc phải để cho con tàu chuyển giao quyền lực chính thức khởi hành. Cách diễn giải của GSA và sự quả quyết nói trên của ông Trump chẳng qua chỉ để giữ thể diện và tiếp tục níu kéo lực lượng ủng hộ ở Mỹ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-qua-bau-cu-my-2020-doc-giua-dong-129898.html