Kết quả chọn sách giáo khoa của TPHCM: Có bất thường?
Tất cả các tỉnh, thành phố đã lựa chọn xong sách giáo khoa lớp 1. Trong đó, kết quả lựa chọn của TPHCM được đặc biệt quan tâm vì liên quan đến những lùm xùm trả tiền thù lao của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trước đó.
Sở GD&ĐT TPHCM vừa báo cáo về việc lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021. Theo đó, bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD&ĐT TPHCM biên soạn được lựa chọn nhiều nhất ở 9 đầu sách, mỗi đầu sách có số lượng từ 110.000 bản đến gần 200.000 bản.
Đứng thứ hai là bộ sách Cánh diều, do NXB Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp biên soạn, có 9 đầu sách được lựa chọn, trung bình mỗi đầu sách có số lượng 20.000 bản; Bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam với 11 đầu sách…
Các bộ sách Kết nối trí thức và cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực (NXB Giáo dục Việt Nam) cũng có các đầu sách với con số vài ngàn bản. Như vậy, bộ sách Chân trời sáng tạo có số lựa chọn cao gấp gần 6 lần bộ sách có lựa chọn cao thứ 2 tại TPHCM.
Có một thực tế, như Tiền Phong đã phản ánh hồi năm 2019, là từ năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo sở, lãnh đạo một số phòng ban thuộc Sở GD&ĐT TPHCM để biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo. Điều này khiến người ta không thể không đặt câu hỏi liệu có minh bạch trong chọn SGK ở TPHCM hay không.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nói, nhìn tổng thể SGK của cả 5 bộ đều được lựa chọn. Riêng bộ “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam có tỷ lệ cao hơn. Ông Tài nói: “Trong 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua, bộ “Chân trời sáng tạo” là đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía Nam.
Với lý do này nên các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong SGK mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ. Học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng SGK. Nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh khu vực phía Nam.
Do tất cả SGK được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và đồng đều chất lượng, nên khi chọn SGK, các trường sẽ ưu tiên sách gần gũi, phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong dạy và học. Điều này hoàn toàn dễ hiểu về chuyên môn và đây thực chất là một tiêu chí được quy định trong thông tư lựa chọn SGK”.
Ông Tài cho rằng, việc TPHCM hay bất cứ tỉnh, thành phố nào có kết quả lựa chọn bộ sách nào đó với tỷ lệ cao hơn cần xem xét việc chỉ đạo và thực hiện lựa chọn SGK ở địa phương đó có đúng quy định hay không, các nhà trường có dân chủ, minh bạch trong lựa chọn hay không. Nếu quy trình là đúng thì kết quả lựa chọn phải được tôn trọng.
Không có gì bất thường?
Trước câu hỏi Bộ GD&ĐT có băn khoăn về kết quả của TPHCM, ông Tài cho rằng có nhiều địa phương cũng lựa chọn một bộ sách nào đó nhiều hơn những bộ còn lại. “Chúng ta nên nhìn nhận theo hướng đó là lựa chọn của giáo viên. Kết quả hiện tại là việc làm hiện tại. Không đặt vấn đề câu chuyện trước để suy diễn kết quả hiện tại. Vì có nhiều tỉnh cũng có kết quả tương tự như TPHCM”, ông Tài nói.
Về vấn đề NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM trước đây và hiện tại, đại diện Bộ GD&ĐT nhận định, điều này khiến giáo viên thực sự phải chịu áp lực vì theo quy định của thông tư, những người có liên quan đến các quy trình xuất bản SGK đều không được tham gia trực tiếp vào quá trình chọn sách.
“Kết quả này là của tập thể hàng ngàn giáo viên của TPHCM. Thực tế 46 đầu sách được bộ phê duyệt đều được lựa chọn. Trong 5 bộ sách không có bộ nào đạt tỷ lệ lựa chọn vượt trội đặc biệt”.
Tuy nhiên, liên quan đến kết quả chọn SGK TPHCM, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, về mặt nguyên tắc, các trường có thể chọn bất cứ cuốn SGK nào trong số các đầu sách đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với TPHCM, khi các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT đã nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam với vai trò là tác giả hay tập hợp đội ngũ để làm một bộ SGK cụ thể, và rồi bộ sách ấy lại được lựa chọn thì rõ ràng sự lựa chọn ấy khiến người ta có quyền nghi ngờ nó không còn khách quan nữa.
Điều đó khiến cơ hội lựa chọn của các trường thực sự không còn được như mong muốn, không đúng với mục tiêu của việc Quốc hội quyết định cho phép xã hội hóa biên soạn và có nhiều SGK để các nhà trường, địa phương lựa chọn.