Kết quả của chuyển đổi số tác động tích cực đến đổi mới giáo dục
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau hơn 1 năm triển khai đề án 'Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030', ngành giáo dục đã có những kết quả tích cực.
Thưa ông, việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” ở Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung và ở các cơ sở giáo dục đại học nói riêng bước đầu đã có kết quả như thế nào?
Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng với ngành giáo dục trong thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Để triển khai đề án này, trong thời gian qua ngành giáo dục nỗ lực tích cực thực hiện. Kết quả đạt được đã tác động tích cực đến công cuộc đổi mới.
Điều đầu tiên phải nói đến là ngành giáo dục xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng cơ sở dữ liệu từ bậc mầm non đến phổ thông. Tháng 6/2023, lần đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu của đại học. Như vậy, từ bậc mầm non đến đại học cũng như đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người học đều được số hóa thông tin.
Thực hiện đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư. Bộ GD&ĐT là một trong những Bộ tích cực triển khai và đã hoàn thiện dữ liệu số hóa của ngành. Bộ đã có kết nối với cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm 2022. Sau đó là xác thực mã số căn cước công dân, mã số công dân tất cả các bậc học.
Tiếp theo là ngành giáo dục cung cấp các thông tin liên quan đến giáo dục và dục đào tạo làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngược lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp các thông tin liên quan đến hành chính. Năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp ngành giáo dục về lịch sử thường trú cho thí sinh để xác định đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển sinh đầu cấp.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ xác nhận về hộ khẩu, xác nhận lịch sử thường trú trước các thủ tục hành chính, tình huống khẩn cấp. Trên cơ sở dữ liệu của ngành, Bộ GD&ĐT thực hiện các thủ tục hành chính hướng đến học sinh. Cụ thể, học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Việc thực hiện này như thực hiện dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh. Điều này mang lại lợi ích, hiệu quả về cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian của học sinh, nhà trường.
Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, ngành giáo dục triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ về công tác tuyển sinh đại học. Từ năm 2022 đến nay, việc tuyển sinh đại học áp dụng tối đa công nghệ số: Mỗi thí sinh đều có tài khoản riêng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển; Thí sinh thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến; Bộ GD&ĐT giúp các trường đại học lọc ảo xét tuyển trực tuyến; Sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.
Như vậy, trên nền tảng cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta có dữ liệu sạch về con người để thực hiện thủ tục hành chính mang lại ý nghĩa lớn với người dân.
Hiện trong ngành vẫn có nơi chưa hiểu rõ về chuyển đổi số. Điều này dẫn đến việc thực hiện chưa đúng hoặc bị động trong triển khai các công việc liên quan. Vậy vai trò của Bộ GD&ĐT để tháo gỡ những khó khăn này là gì?
Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số uốc gia. Với ngành giáo dục, Thủ tướng đã ban hành riêng một đề án là: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong ngành.
Thực hiện Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai quyết định của Thủ tướng. Hàng năm, Bộ đều có văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số được phổ biến tới từng trường. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên triển khai, trong đó giải pháp tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục về chuyển đổi số. Nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ của ngành giáo dục để ứng dụng chuyển đổi số trong ngành.
Bộ GD&ĐT các Sở GD&ĐT triển khai hội nghị, hội thảo liên quan đến chuyển đổi số. Hàng năm, Bộ đều có hội thảo về chuyển đổi số quốc gia trong giáo dục. Đây là sự kiện để chúng tôi nắm bắt tình hình, thực hiện chuyển đổi số cơ sở, thực hiện nâng cao nhận thức cho mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của ngành.
Tuy nhiên, thực tế có những nơi, những người vẫn chưa hiểu đúng về chuyển đổi số. Điều này cần quá trình và lâu dài. Chúng tôi kiên trì kết hợp với các đơn vị, phối hợp để tiếp tục nâng cao nhận thức trong các đơn vị, cơ sở.
Mô hình và giải pháp chuyển đổi số hiệu quả mà Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở đào tạo là gì và sẽ là nền tảng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới của toàn ngành, thưa ông?
Tiền thân của chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung sử dụng công nghệ số vào từng việc cụ thể. Còn chuyển đổi số là nhìn tổng thể, toàn diện. Thậm chí, cuối cùng thay đổi mô hình làm việc dựa trên chuyển đổi số.
Trong ngành giáo dục triển khai các mô hình mức độ khác nhau. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục từ năm 2018. Đến nay, toàn ngành đã có nhận thức và thực hiện thống nhất từ cấp cơ sở đến Trung ương Trong giáo dục phổ thông, chúng tôi xây dựng mô hình dạy học trực tuyến. Khi dịch bệnh xuất hiện thì các trường dạy trực tuyến bất ngờ. Qua dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành chính sách thúc đẩy dạy trực tuyến. Dạy học trực tuyến là hình thức chính thống trong các hoạt động giáo dục, ngay cả điều kiện bình thường.
Chúng tôi đang hướng dẫn mô hình dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện bình thường. Mô hình dạy học phải có sự thay đổi, thông qua các hệ thống quản lý học tập LMS, giáo viên có thể tương tác học sinh, giao bài tập. Học sinh có thể tham gia trước, trong và sau tiết học. Đối với giáo dục địa học, Bộ GD&ĐT đang cùng các trường đại học xây dựng mô hình đại học số với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong đào tạo giáo dục đại học. Chúng tôi xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung. Các trường sẽ xây dựng khóa học trực tuyến, sau đó thống nhất dùng chung và công nhận tín chỉ lẫn nhau các khóa học trực tuyến. Chẳng hạn sinh viên trường A có thể học khóa học ở trường B và được công nhận tín chỉ. Đó là các mô hình giáo dục đại học số mà chúng tôi mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số thực tế, hiệu quả trong các nhiệm vụ, chuyên môn của ngành.