Kết quả đáng tin cậy mới đánh giá đúng kết quả học tập
Kết quả học, thi thực chất chính là căn cứ đáng tin cậy để ngành Giáo dục nhìn lại 5 năm đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

Ảnh minh họa INT.
Thời điểm này, Hà Nội là một trong số ít địa phương công bố kết quả khảo sát toàn thành phố đối với học sinh lớp 12 (nhiều địa phương gọi là thi thử) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đây được coi là đợt tập dượt quy mô lớn trước thi chính thức; vừa giúp học sinh làm quen với định dạng đề mới, đồng thời tạo cơ sở để nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy học, kế hoạch và phương pháp ôn tập nhằm hỗ trợ học sinh đạt kết quả tốt nhất.
Với gần 32.000 bài thi có điểm dưới 3, hơn 4.000 bài điểm 0 - 1, rất hiếm điểm 10, phổ điểm tập trung nhiều nhất ở mức 6 - 7, việc Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn công bố công khai, chi tiết kết quả được cho là dũng cảm nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá đúng năng lực học sinh để kịp thời có giải pháp thực chất. Nhiều địa phương, nhà trường cũng chia sẻ kết quả thi thử thấp hơn hẳn so với năm trước.
Phân tích nguyên nhân, các ý kiến đều nhắc đến đây là năm đầu tiên học sinh khối lớp 12 hoàn thành Chương trình GDPT 2018, với những thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cùng với đó là định dạng đề thi mới tăng tính phân hóa, hướng nhiều hơn đến đánh giá năng lực vận dụng kiến thức; đặc biệt sự xuất hiện của câu hỏi đúng/sai, trả lời ngắn với cách tính điểm khác, đề Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa... Việc cả thầy và trò lần đầu tiếp cận định dạng đề mới, trong khi còn ảnh hưởng của cách kiểm tra - đánh giá, cách dạy - học cũ, tư duy cũ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi thử/khảo sát.
Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan. Suy nghĩ đây là kỳ thi không lấy điểm, không ảnh hưởng đến kết quả học tập tác động đến tâm thế, sự cố gắng của học sinh khi làm bài thi, từ đó ảnh hưởng đến kết quả thi.
Từ kết quả thực tế, cùng với những nguyên nhân được phân tích, các nhà trường chủ động thay đổi kế hoạch và phương pháp ôn tập; đặc biệt, tăng cường sự quan tâm và có giải pháp riêng với những học sinh điểm kém. Tinh thần tất cả vì học trò được phát huy tối đa; hướng tới mục tiêu đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất bằng việc học thực chất, thi thực chất.
Một điều khá lạ, đó là dù kết quả thấp, nhưng hầu như dư luận không có đánh giá tiêu cực, hay lo lắng thái quá. Thậm chí, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khi chia sẻ về kết quả khảo sát toàn thành phố Hà Nội đối với học sinh lớp 12 còn nhận định đây là “tín hiệu đáng mừng để chúng ta nhìn vào thực chất”.
Ông cho rằng “chúng ta phải học thật, nhân tài thật và như thế sẽ tạo nên sự đổi mới rất mạnh mẽ giáo dục trong năm tới”. Điều này cho thấy sự thay đổi tư duy hết sức tích cực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng chính thức kết thúc một giai đoạn triển khai Chương trình GDPT 2018. Chỉ khi kết quả đáng tin cậy mới đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt trong chương trình mới; đồng thời là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học trong nhà trường; cung cấp dữ liệu trung thực để trường đại học xét tuyển.
Kết quả học, thi thực chất chính là căn cứ đáng tin cậy để ngành Giáo dục nhìn lại 5 năm đổi mới chương trình, sách giáo khoa; từ đó có những điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn mới.