KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI KỲ HỌP THỨ 6 SẼ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó một nội dung quan trọng là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước thềm kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 sẽ là dịp để cử tri và nhân dân giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm là cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ nên các đại biểu Quốc hội sẽ có những căn cứ, cơ sở đánh giá sát thực hơn mức độ hoàn thành trọng trách với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là phương thức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Từ đó, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện niềm tin rất lớn của nhân dân và cử tri cả nước vào các cơ quan dân cử, thể hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc đã bầu ra những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, với sự vào cuộc mạnh mẽ, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, năng động, sáng tạo, chuẩn bị tốt các công việc từ sớm, từ xa đối với các nội dung của kỳ họp, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri và nhân dân sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu cao nhất, thực hiện quyền giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của những người được giao trọng trách. Có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cũng như không khí dân chủ, tích cực trong xã hội.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong cách thức tiến hành các kỳ họp Quốc hội đã và đang thực sự góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực các quyết sách của Quốc hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và đòi hỏi của cử tri của cả nước, là động lực phát triển đất nước trong giai đoạn bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn không ít khó khăn của đất nước hiện nay. Đó là cơ sở để kỳ vọng vào những kết quả tích cực tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây, tiếp tục tạo tiền đề vững chắc để Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là hoàn thành thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Còn đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng bày tỏ mong muốn, trong khuôn khổ kỳ họp,các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện tinh thần cao nhất để giám sát bộ máy hoạt động của nhà nước thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây sẽ là nội dung sẽ được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Thông qua đó, tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của Nhân dân, thay mặt Nhân dân giám sát những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Trần Thị Hồng Yến cũng mong muốn, các đại biểu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đóng góp ý kiến để xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đây là những nội dung sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quy định pháp luật, giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ cũng như các mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Yến, để bảo đảm thành công của kỳ họp cũng như chất lượng của các quyết sách của Quốc hội, hiện các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực hết mình, làm việc khẩn trương, hết công suất nhằm chuẩn bị tài liệu các nội dung trong chương trình kỳ họp. Các Ủy ban đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đóng góp, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
Với tính chất quan trọng của các nội dung đề ra trong chương trình kỳ họp, đại biểu Trần Thị Hồng Yến tin tưởng và kỳ vọng, các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu là đúng đắn, kịp thời; thể hiện trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với đất nước, với cử tri và Nhân dân cả nước.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81190