Kết quả nghiên cứu vắc xin và sự tham gia của Việt Nam trong chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA
Việc tiếp cận vắc xin quan trọng ở cả góc độ chương trình tiêm chủng thường quy cũng như khẩn cấp trong đại dịch hay đại dịch khác trong tương lai.
Ngày 22/5, UNDP, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp tổ chức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vắc xin và sự tham gia của Việt Nam trong Chương trình chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ ứng phó với Covid-19 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin và năng lực hệ thống y tế" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), UNDP đã phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thực hiện 3 nghiên cứu: Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển và sản xuất vắc xin nội địa; lập bản đồ năng lực hiện có và nhu cầu phát triển năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam; chính sách, luật và thủ tục cấp phép sử dụng vắc xin quốc tế tại Việt Nam, bao gồm kinh nghiệm cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 quốc tế.
Theo chia sẻ của các chuyên gia: Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc các quốc gia cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất vắc xin trong nước. Việc chủ động này mang lại các lợi ích như: Tránh rủi ro thiếu hụt vắc xin cho nhu cầu trong nước khi phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài; cho phép quốc gia chủ động với chiến lược phòng, chống dịch, cũng như đảm bảo tính kịp thời trong ứng phó với tình huống dịch, bệnh khẩn cấp hoặc sự xuất hiện của biến thể virus mới trong tương lai; đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin của người dân, nâng cao sức khỏe người dân và sức khỏe cộng đồng...
Thực tế, trong đại dịch Covid-19, các quốc gia như Trung Quốc và Nga đã ưu tiên phát triển vắc xin của riêng họ để đảm bảo an ninh quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào vắc xin nước ngoài.
Ấn Độ đã dẫn đầu trong việc phát triển và sản xuất vắc xin trong nước, với một số nhà sản xuất vắc xin lớn nằm trong nước. Điều này cho phép Ấn Độ tự cung tự cấp phần lớn trong việc cung cấp vắc xin và nước này cũng đã xuất khẩu vắc xin sang các nước khác.
Brazil cũng theo đuổi việc phát triển và sản xuất vắc xin trong nước để giảm chi phí vắc xin cho người dân. Nhà sản xuất vắc xin trong nước của nước này - Instituto Butantan - đã sản xuất vắc xin CoronaVac với sự hợp tác của Sinovac (Trung Quốc).
Hơn thế, việc một số quốc gia đã theo đuổi việc phát triển vắc xin của riêng mình được đánh giá cao trong vấn đề đảm bảo kiểm soát sở hữu trí tuệ. Phát triển và sản xuất vắc xin cũng có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế bằng cách tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học/dược phẩm.
Điển hình tại Hàn Quốc, nước này đã theo đuổi việc phát triển và sản xuất vắc xin như một phần của chiến lược phát triển kinh tế rộng lớn hơn. Nước này có một số nhà sản xuất vắc xin trong nước, bao gồm SK Bioscience, công ty đã hợp tác với AstraZeneca để sản xuất vắc xin Covid-19.
Giới chuyên gia nhận định: Một quy trình quản lý hợp lý và đối xử ưu đãi cho các công ty trong nước có thể đẩy nhanh việc áp dụng vắc xin sản xuất trong nước, trong khi môi trường pháp lý hỗ trợ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và khuyến khích đầu tư vào phát triển, sản xuất vắc xin, cuối cùng nâng cao năng lực của một quốc gia trong việc ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Còn tại Việt Nam, theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Y tế: Có 4 đơn vị đều tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, đó là: Công ty TNHH Một thành viên vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC); Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC); Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược NANOGEN.
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2020 vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đặt mục tiêu đến năm 2030: Sản xuất vắc xin đa giá, vắc xin phòng chống dịch bệnh (có vắc xin Covid-19).
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù WHO đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song vẫn khuyến nghị tích hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong chương trình tiêm chủng trọn đời. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện tốt chủ trương “tự chủ vắc xin” nhất quán và xuyên suốt.
Bởi theo nhận định của ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam: Việc tiếp cận vắc xin rất quan trọng ở cả góc độ chương trình tiêm chủng thường quy cũng như vắc xin khẩn cấp trong đại dịch cũng như các đại dịch khác trong tương lai.
Phân tích SWOT đã chỉ ra thế mạnh trong sản xuất vắc xin của Việt Nam, đó là: Có bề dày kinh nghiệm sản xuất vắc xin; khả năng làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin; là một trong số ít nước gần như chủ động toàn bộ vắc xin trong tiêm chủng mở rộng: 10/11 vắc xin. Năm 2015, Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam đã đạt được chứng nhận “Hoạt động tốt” theo bộ công cụ đánh giá vắc xin của WHO.
“Tuy nhiên, hạn chế trong sản xuất vắc xin của Việt Nam là việc đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất còn thấp; thiếu nguồn tài chính bền vững để duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở mức cao…”, SWOT phân tích.