Kết quả thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về 'Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới' trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới', dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".

Đồng chí Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt triển khai; ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 20/8/2013 về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW với 05 nhóm nhiệm vụ giải pháp, triển khai tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025"; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình…; chỉ đạo giải quyết những vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, định hướng chủ trương, đề ra các chính sách cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội…, nhằm không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 88 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 81 triệu đồng (tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021); xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, đến nay 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có: 30/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 333/1.355 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến hết năm 2023 có 50 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 18 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Yên Khánh và huyện Hoa Lư đạt huyện nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm còn 2,36%, hộ cận nghèo còn 2,81%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập và vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" (từ năm 2017 đến nay đã huy động trên 130 tỷ đồng); thành lập 16 Tổ Dân vận thôn, xóm, phố làm điểm; tiếp tục duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả các Ban Chỉ đạo: thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; phong trào thi đua "Dân vận khéo"; thực hiện công tác tôn giáo; phối hợp hoạt động vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Định kỳ hằng quý, Thường trực Tỉnh ủy giao ban với Ban Dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội để nghe tình hình và kết quả hoạt động, giải quyết các kiến nghị đề xuất; chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan giải quyết, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Trong 10 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành 40 cuộc giao ban; 11 cuộc đối thoại với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh; cấp ủy cơ sở tiến hành hơn 300 cuộc giao ban, đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên cơ sở. Các cấp ủy đảng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức đảng quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 20 cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương có liên quan đến công tác dân vận; Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức 117 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 163 đảng bộ, chi bộ trực thuộc.

Công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. HĐND tỉnh kịp thời cụ thể hóa và đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng liên quan đến đời sống Nhân dân, nhất là trên các lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ đầu tư, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh đã thông qua 363 nghị quyết về các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn; du lịch; giáo dục đào tạo; an sinh xã hội; tài chính ngân sách; chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; lĩnh vực đất đai. Tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề; chú trọng giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp.

UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác dân vận chính quyền; chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề công tác năm của Ban Dân vận Trung ương: "Năm dân vận chính quyền 2018, 2019"; chỉ đạo UBND các cấp phân công đồng chí Chủ tịch UBND phụ trách công tác dân vận chính quyền, các sở, ban, ngành phân công một đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận; tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Đã xem xét, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền các đề nghị chính đáng của tổ chức, cá nhân các tôn giáo; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 660/694 cơ sở tôn giáo (đạt tỷ lệ 95,1%). Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, hiện nay Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả tại 20 sở, ban, ngành và 100% các đơn vị cấp huyện, cấp xã với tổng số 2.046 dịch vụ công (trong đó 812 dịch vụ công mức độ 2; 664 dịch vụ mức độ 3; 570 dịch vụ mức độ 4).

Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 25/63 các tỉnh thành phố; chỉ số cải cách hành chính PAR-Index xếp thứ 17/63 các tỉnh thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 20/63 các tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI xếp thứ 44/63 các tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021.

Lực lượng vũ trang trong tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, với phương châm "gần dân, sát cơ sở", đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tham mưu xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh. Thực hiện hiệu quả công tác dân vận thông qua các hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tư vấn giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ hằng năm, kết nghĩa, gặp mặt thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"…

Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, mang lại quyền lợi trực tiếp và thiết thực cho đoàn viên, hội viên. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, ngày càng đi vào chiều sâu. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Triển khai Chương trình giám sát, phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW; tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo Nghị quyết số 08-NQ/TU. Chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tuyên truyền, vận động chức sắc tôn giáo, đồng bào có tôn giáo tích cực tham gia phong trào hiến, tặng giác mạc (Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có trên 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời, 483 người đã hiến, Ninh Bình là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về hiến, tặng giác mạc).

Các phong trào thi đua và phong trào "Dân vận khéo" được triển khai nghiêm túc, sâu rộng, đi vào đời sống xã hội, thu được nhiều kết quả tốt, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đồng tình, hưởng ứng tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 1.635 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực (1.482 mô hình và 153 điển hình). Các mô hình "Dân vận khéo" đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25 -NQ/TW trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chủ đề công tác hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 32-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12 - NQ/TU, ngày 05/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay", Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025"... xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của chính quyền, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị công cấp tỉnh (PAPI). Tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân của cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử các cấp nhằm giải quyết những bức xúc trong Nhân dân; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Tạo mọi điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý, xây dựng Đảng, chính quyền. Triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Bốn là, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Dân vận khéo", giai đoạn 2021-2025; chú trọng phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng.

Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường nắm tình hình Nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các vấn đề xã hội, dân tộc, tôn giáo.

Sáu là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nang cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Đỗ Việt Anh

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ket-qua-thuc-hien-nghi-quyet-25-nq-tw-ve-tang-cuong-va-doi/d202310041503339.htm