Kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, chứng khoán được dự báo về lại đỉnh trong tháng 8
Kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp cùng thanh khoản cải thiện, VN-Index hiện ở vùng 1.340 điểm, và được dự báo quay lại đỉnh cũ 1.420 điểm ngay trong tháng 8. Diễn biến thị trường phụ thuộc nhiều vào thời gian kiểm soát dịch bệnh.
VN-Index hiện ở vùng 1.340 điểm, và được dự báo quay lại đỉnh cũ 1.420 điểm ngay trong tháng 8 (Ảnh minh họa)
Nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa đưa ra dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại mức đỉnh cũ 1,420 điểm trong tháng 08/2021. Tuy nhiên, khả năng vượt mức 1,420 điểm phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam với hai kịch bản có thể xảy ra.
Ở kịch bản lạc quan, chuyên gia kỳ vọng dịch bệnh hạ nhiệt dần trong tháng 08/2021, chỉ số VN-Index có thể hướng về mức mục tiêu 1,456 – 1,500 điểm. Nếu kịch bản xấu hơn, dich bệnh kéo dài hết quý 3/2021, chỉ số VN-Index khó có thể vượt khỏi vùng 1,420 điểm.
Mức P/E TTM của chỉ số VN-Index dưới mức 16.x nhờ vào KQKD quý 2/2021 tăng trưởng mạnh cho thấy thị trường đang ở giai đoạn định giá rẻ. Khi thị trường đang ở mức định giá hợp lý, khối ngoại quay trở lại mua ròng 5 phiên liên tiếp, giá trị đạt gần 2.500 tỷ đồng tuần qua.
Đồng thời, chinh sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục duy trì trên toàn cầu cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào kênh chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền toàn cầu sẽ hướng đến các thị trường mới nổi và cận biên có khả năng kiểm soát sớm dịch bệnh.
Còn chuyên gia của CTCK Mirae Asset cho rằng, nhờ kết quả kinh doanh quý 2 tương đối tích cực và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm khắc hơn bắt đầu được áp dụng, thị trường dần hồi phục. Thị trường đang ở mức định giá hợp lý. VN-Index sẽ dao động khoảng 1.222 đến 1.440 điểm đến cuối năm 2021, với mục tiêu cơ sở là 1.350 điểm.
Tháng 7/2021, CTCK này từng dự báo VN-Index quay lại vùng 1.200 điểm, và điều đó đã xảy ra. Dự báo khi ấy chịu phản ứng trái chiều khi thị trường liên tiếp lập đỉnh, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn.
Mặc dù dịch bệnh tác động đến 2 tháng cuối quý 2, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2 vẫn duy trì ở mức cao.Tính đến ngày 30/7, hơn 70% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 (chiếm khoảng 92% vốn hóa). Theo đó, Mirae Asset ước tính tổng lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng hơn 59% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng khoảng 69% so với cùng kỳ.
Việc kiểm soát dịch nhanh hay chậm đang là biến số đối với nền kinh tế chung, hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Do đó, chuyên gia cho rằng biến động thị trường trong ngắn hạn sẽ tiếp tục gia tăng.
Kết thúc tuần đầu tháng 8, VN-Index đóng cửa phiên 6/8 giảm 4,1 điểm xuống 1.341,45 điểm. Thị trường quay đầu giảm trước thông tin tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách thêm 14 ngày, trong đó có Hà Nội.
VN-Index giảm điểm nhưng thanh khoản tăng vọt. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 28.278 tỷ đồng, tăng 18,2% so với phiên trước đó. Trong đó, thanh khoản HoSE đạt 22.317 tỷ đồng. Dòng tiền quay lại nhóm bất động sản, chứng khoán, nhưng giảm ở nhóm ngân hàng, thép.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua ròng ngắn hạn, tập trung vào ngân hàng, chứng khoán. Ngoài ra, theo thống kê của FiinGroup, HPG là cổ phiếu được nước ngoài thay đổi vị thế nhiều nhất, được mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp. Từ đầu tháng 8, nước ngoài luân phiên mua - bán ròng HPG theo nhịp 2 ngày.
Còn nhà đầu tư cá nhân trong nước, tự doanh cũng chuyển mua ròng trên dưới 300 tỷ đồng. Duy chỉ có nhà đầu tổ chức bán ròng. VHM là cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh nhất, đối lập với động thái mua ròng cổ phiếu này của nhà đầu tư cá nhân.