Kết thúc cuộc 'chấn chỉnh', Ant Group bị chính quyền Trung Quốc phạt hơn 1 tỉ USD
Các nhà quản lý Trung Quốc chuẩn bị chấm dứt cuộc 'chấn chỉnh' đối với Ant Group của Alibaba với số tiền phạt hơn 7 tỉ NDT. Liệu làn sóng 'chấn chỉnh' của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ đã đến hồi kết?
Mức tiền phạt cao kỷ lục
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thông thạo vụ việc này nói, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố phạt gần 8 tỉ NDT (1,1 tỉ USD) đối với Ant Group, một công ty con của Alibaba sớm nhất vào thứ Sáu (7/7), kết thúc việc giám sát chỉnh đốn công ty công nghệ tài chính kéo dài 3 năm qua.
Theo CNA, được kích thích bởi tin tức này, giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, đã lập tức tăng tới 6,4% tại sàn chứng khoán Hồng Kông hôm nay (7/7).
Trước đó, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dự kiến trong vài ngày tới, sớm nhất vào 7/7 sẽ công bố hình phạt dành cho Ant Group và đây sẽ là một trong những mức phạt nặng nhất đối với các công ty Internet ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bị phạt tiền, nó có thể giúp Ant Group có được giấy phép công ty cổ phần tài chính, theo đuổi tăng trưởng và cuối cùng là hồi sinh kế hoạch IPO.
PBOC đã xúc tiến cuộc cải cách công ty này sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỉ USD của Ant bị chặn vào cuối năm 2020.
Bản tin cũng chỉ ra rằng từ góc độ của toàn bộ ngành công nghệ, khoản tiền phạt đối với Ant có thể phản ánh việc “chấn chỉnh” các công ty tư nhân ở Trung Quốc Đại lục sắp kết thúc. Làn sóng này bắt đầu với việc hủy bỏ kế hoạch IPO của Ant, sau đó khiến giá trị thị trường tổng hợp của một số công ty bốc hơi hàng tỉ USD.
Tuy nhiên, theo Reuters, cả Ant Group và PBOC đều không trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ việc.
Trụ sở của Ant Group đang được sửa sang lại để tái hoạt động (Ảnh: AP).
Một trong những nguồn tin cho biết, khoản tiền phạt đối với Ant Group có thể sẽ tập trung vào các cáo buộc liên quan đến việc "mở rộng vốn một cách vô trật tự" và những rủi ro tài chính do hoạt động kinh doanh một thời không bị kiểm soát của Ant Group gây ra.
Reuters phân tích, đối với ngành công nghệ Trung Quốc, khoản tiền phạt đối với Ant Group sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong việc chấm dứt sự chấn chỉnh mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các công ty tư nhân.
Vào cuối năm 2020, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã khẩn cấp tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỉ USD của Ant Financial, được coi là khởi đầu cho một cuộc chấn chỉnh ngành công nghệ Internet. Các hành động này đã dẫn đến việc xóa sạch hơn một nghìn tỉ USD giá trị thị trường của nhiều "gã khổng lồ" internet của Trung Quốc.
Tổ chức lại và chia tách
Kể từ tháng 4/2021 đến nay, Ant Financial đã tiến hành tái cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc tổ chức lại thành một công ty cổ phần tài chính, điều này sẽ buộc công ty tuân theo các quy tắc và yêu cầu về vốn tương tự như các ngân hàng.
Vào đầu năm nay, Ant Group cũng đã tách khỏi đội ngũ quản lý của công ty mẹ Alibaba, thông báo ông Mã Vân (Jack Ma) sẽ không còn là người kiểm soát thực tế và giới lãnh đạo của Ant Group sẽ không còn là đối tác của Alibaba để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của quản trị doanh nghiệp và nhấn mạnh sự tách rời Tập đoàn Alibaba.
Người sáng lập Alibaba trở về Trung Quốc sau 1 năm sống ở nước ngoài, tập đoàn này đang được tái cấu trúc toàn diện (Ảnh: Aboluowang).
Ngân hàng Nhân dân Trung ương Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ phụ trách thúc đẩy “đại tu” Ant Financial sau khi niêm yết thất bại vào cuối năm 2020. Các quan chức Trung Quốc hôm 1/7 đã công bố những thay đổi ở cấp cao nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), cựu phó Thống đốc và Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia, đã đảm nhận chức Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Đây được coi là khúc dạo đầu cho việc được bổ nhiệm chức Thống đốc của ông.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Phan Công Thắng là một trong những quan chức quản lý chính chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển đổi của Ant Group. Ông đã tham gia một số cuộc họp với Ant Group để thảo luận về các khoản tiền phạt và cải cách công ty; Tổng cục Quản lý Giám sát tài chính quốc gia trực thuộc Quốc Vụ viện mới thành lập là cơ quan quản lý phê duyệt giấy phép của Ant Group.
Tổng cục Quản lý Giám sát tài chính quốc gia Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. PBOC cũng không trả lời yêu cầu bình luận về vai trò của Phan Công Thắng.
Reuters hồi tháng 4 năm nay dẫn các nguồn tin cho biết cơ quan quản lý Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra mức phạt khoảng 5 tỉ NDT đối với Ant Group. Năm 2021, Tập đoàn Alibaba đã bị phạt tới 18 tỉ NDT (2,8 tỉ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền, đây là mức phạt doanh nghiệp cao nhất vào thời điểm đó.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã trở về Trung Quốc vào cuối tháng 3 năm nay và xuất hiện ở Hàng Châu sau một thời gian dài không xuất hiện trước công chúng và sống ở nước ngoài hơn một năm. Ngay lập tức, Tập đoàn Alibaba tuyên bố sẽ tách rời doanh nghiệp và tổ chức lại thành công ty mẹ với 6 nhóm kinh doanh khác nhau.
Sau khi chính phủ chấm dứt chính sách chống dịch “Zero Covid”, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc không mấy khả quan, với sự sụt giảm đáng lo ngại trong một số lĩnh vực then chốt. Vì vậy, chính phủ đang cố gắng lấy lại niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Tin giờ chót: Tối 7/7, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin số tiền mà Ant Group bị phạt ít hơn mức 8 tỉ NDT mà Reuters đã đưa trước đó; cụ thể là 7 tỉ 123 triệu NDT.