Kết thúc cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi, một bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày non sông liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà sau hơn hai mươi năm bị chia cắt bởi chiến tranh và âm mưu đế quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là bản anh hùng ca kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, khép lại cuộc trường chinh đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Quân giải phóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu)
Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn vào ngày 26/4/1975 và kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30/4/1975. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 ngày, các cánh quân chủ lực của Quân Giải phóng đã thần tốc đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đánh tan toàn bộ hệ thống phòng thủ, bắt sống nội các chính quyền tay sai, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Sự thần tốc của chiến dịch không chỉ là tốc độ hành quân, mà còn là tốc độ của ý chí, của quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đó là khí thế tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực từ 5 hướng Đông, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam ào ạt tiến vào trung tâm Sài Gòn. Đặc biệt, hình ảnh chiếc xe tăng mang cờ giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập - biểu tượng cuối cùng của chế độ tay sai - tuyên bố sự cáo chung của một chính quyền phi nghĩa, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

Chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu)
Từ năm 1945 đến 1975, suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với hai đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng là chừng ấy thời gian máu lửa, chừng ấy thời gian mỗi tấc đất của Tổ quốc đều thấm đẫm xương máu của bao lớp anh hùng, chiến sĩ và Nhân dân ta.

Không khí Sài Gòn ngày giải phóng. (Ảnh: Tư liệu)
Chiến dịch Hồ Chí Minh không đơn thuần là một thắng lợi quân sự, mà là đỉnh cao của bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng tự do, độc lập của cả dân tộc; kết tinh của sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam; thành quả của sự đoàn kết, kiên cường, bất khuất của quân và dân cả nước. Cuộc kháng chiến đó đã chứng minh một chân lý vĩ đại: Không có thế lực nào có thể khuất phục được một dân tộc đoàn kết, yêu nước và quyết tâm giành độc lập, tự do. Trong những đoàn quân lặng lẽ vượt núi Trường Sơn vào Nam chiến đấu, có nhiều sinh viên với biết bao ước mơ, hoài bão, vì vận nước đã gác lại tất cả. Họ đã sống cuộc đời tận hiến cho Tổ quốc. Để đi đến thắng lợi cuối cùng đã có hơn 849.000 người con nước Việt gửi lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường; hàng vạn thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam; hàng triệu người dân tử nạn hoặc bị thương do bom đạn của kẻ thù.


Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai dâng hương tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.
Chiến thắng 30/4 không chỉ kết thúc chiến tranh, mà còn mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc - chương của hòa bình, thống nhất, độc lập và xây dựng đất nước. Một dân tộc “từ máu lửa - rũ bùn đứng dậy sáng lòa” chưa kịp ngơi nghỉ lại bắt tay ngay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn vết thương, đưa đất nước đi lên từ tro tàn đổ nát.
Thống nhất đất nước không chỉ là thống nhất về lãnh thổ, mà còn là sự hội tụ của lòng dân, của ý chí toàn dân tộc. Từ đây, Việt Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ của độc lập, tự chủ và hội nhập, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế.
Chiến thắng 30/4/1975 là đỉnh cao của lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của muôn thế hệ con cháu Lạc Hồng nhưng cũng là lời nhắc nhở thiêng liêng rằng: độc lập - tự do không phải là món quà được ban phát, mà là thành quả với sự đánh đổi của biết bao máu xương và sự hy sinh vĩ đại.


Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của địa phương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Hôm nay được sống trong hòa bình, mỗi người dân Việt Nam càng phải khắc ghi giá trị của chiến thắng, tiếp tục viết tiếp bản anh hùng ca dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho công cuộc phát triển đất nước, xây dựng một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Lào Cai đã thành lập 2 tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 1 và Hoàng Liên Sơn 2 cử vào chiến đấu tại tỉnh Bình Dương. (Trong ảnh: Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 2 tại thành phố Lào Cai)


Mỗi dịp 30/4 về, các cựu chiến binh Lữ đoàn 202 Thiết giáp từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam của tỉnh Lào Cai lại tổ chức gặp mặt, ôn lại những năm tháng trận mạc.
Chiến dịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của lòng quả cảm, của khát vọng hòa bình và độc lập - mãi mãi là niềm vinh quang bất diệt trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Trong tiếng reo mừng của ngày toàn thắng, chúng ta càng thêm tự hào, càng thêm quyết tâm giữ gìn và phát huy những giá trị thiêng liêng mà bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ.
Việt Nam từ tro tàn chiến tranh đã vươn mình đứng dậy, rực sáng, viết tiếp bản hùng ca trong thời đại mới.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ket-thuc-cuoc-truong-chinh-vi-dai-cua-dan-toc-post400975.html