Kết thúc hoạt động 12 Thanh tra Bộ, sáp nhập các đơn vị
Theo Quyết định số 755/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký, sẽ kết thúc hoạt động của 12 Thanh tra Bộ và 5 đơn vị cấp vụ thuộc Thanh tra Chính phủ; sắp xếp lại nhân sự thanh tra và trụ sở.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 755/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Kết thúc hoạt động của 12 thanh tra bộ, hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.
Theo kế hoạch, việc ban hành này có các mục đích thực hiện các chủ trương, chỉ đạo và kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; đảm bảo sự đồng bộ với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính trên cả nước. Đồng thời, Kế hoạch cũng nhằm xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm Thanh tra Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như các cơ quan và tổ chức khác có liên quan trong quá trình thực hiện đề án.
Thanh tra Chính phủ dự kiến có bao nhiêu đơn vị sau sắp xếp, tiếp nhận thanh tra 12 bộ?
Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Kế hoạch tập trung vào hai nội dung chính: Một là, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kế hoạch này để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện. Hai là, rà soát, sửa đổi và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra bao gồm việc xây dựng và trình ban hành các văn bản liên quan.
Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về Thanh tra Chính phủ (theo thủ tục rút gọn) và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) (dự kiến trình tại kỳ họp thứ 9 khóa XV). Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ điều chỉnh các quy định về thanh tra trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính đồng bộ, và Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thanh tra (sửa đổi).
Kế hoạch cũng quy định về việc ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc này sẽ được hoàn thành đồng bộ với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả, Kế hoạch cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra, cũng như hoạt động kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Theo kế hoạch quy định về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự tại Thanh tra Chính phủ; sẽ kết thúc hoạt động của 12 thanh tra bộ và 5 đơn vị cấp vụ, hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.
Công chức thanh tra từ 12 Thanh tra Bộ sẽ được tiếp nhận và điều chuyển về các đơn vị của Thanh tra Chính phủ, đồng thời bố trí lại theo mô hình tổ chức mới. Việc bàn giao hồ sơ và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức trong quá trình sắp xếp theo quy định.
Ở cấp tỉnh, Kế hoạch quy định sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở kết thúc hoạt động của Thanh tra cấp huyện và Thanh tra Sở, để tổ chức lại thành các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh.
Về về việc sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất cho Thanh tra Chính phủ, nguyên tắc là sử dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của Thanh tra Chính phủ, đồng thời bố trí các trụ sở dôi dư theo Nghị quyết 18-NQ/TW để tiết kiệm và hiệu quả.
Nếu chưa bố trí được ngay, cho phép thuê trụ sở để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, và việc thuê phải tuân thủ pháp luật.
Đối với Thanh tra tỉnh, việc sắp xếp trụ sở, cơ sở vật chất cũng phải đảm bảo hoạt động liên tục.