Kết thúc lấy nước vụ Đông Xuân: Xem xét bổ sung nguồn nước cho giai đoạn tưới dưỡng lúa

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, ngành nông nghiệp và EVN sẽ xem xét, quyết định kế hoạch bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng lúa.

Cấy lúa bằng máy vụ Đông Xuân năm 2023 ở khu vực thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cấy lúa bằng máy vụ Đông Xuân năm 2023 ở khu vực thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Cục Thủy lợi, đến hết đợt 2, diện tích có nước để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 476.297 ha, đạt 95,6% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Những diện tích còn, các địa phương tiếp tục cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ xem xét bổ sung nguồn nước cho giai đoạn tưới dưỡng lúa.

Các tỉnh chưa hoàn thành 100% diện tích gồm Vĩnh Phúc (95%), Bắc Ninh (95%), Hải Dương (94%), Hà Nội (81%); trong đó, diện tích phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng khoảng 3.622 ha. Các diện tích sẽ tiếp tục được địa phương cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến.

Theo Cục Thủy lợi, trong thời gian lấy nước đợt 2, đơn vị và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp, chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành tối đa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nước cho hạ du từ 14 giờ ngày 29/1/2023 (trước ngày đầu tiên của đợt 2 gần 2,5 ngày). Mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội bình quân toàn đợt đạt 1,61 m, cao nhất đạt 2,08 m vào ngày 5/2.

Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 2 là 2,21 tỷ m3 nước. Tổng lượng xả đượt 1 và đợt 2 là 3,62 tỷ m3.

Trong thời gian này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức vận hành tối đa công suất phát điện để nâng mực nước cao nhất cho hạ du, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động. Việc vận hành giảm lượng xả để duy trì mực nước tại Sơn Tây thấp nhất từ 1,8 m trở lên trong 2 ngày cuối của đợt nhằm đảm mực nước tối thiểu cho các địa phương còn thiếu lấy nước mà lại tiết kiệm nguồn nước xả.

Trong thời gian lấy nước của đợt 2, khu vực Bắc Bộ đã có mưa nhỏ, mưa phùn. Tổng lượng mưa lũy tích từ ngày 1/2 - 8/2 ở khu vực miền núi phía Bắc từ 15-50 mm, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ từ 10-30 mm. Lượng mưa tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ việc lấy nước hiệu quả hơn.

Theo ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, với nguồn nước được điều tiết bổ sung, các công trình thủy lợi vùng ảnh hưởng triều như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đủ điều kiện vận hành hiệu quả.

Các công trình thủy lợi thuộc vùng không ảnh hưởng triều như ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội thì các trạm bơm đã được nâng cấp, hạ thấp cao trình đặt máy và các trạm bơm dã chiến đủ điều kiện hoạt động tốt. Tương tự các năm gần đây, các công trình chưa được nâng cấp không đủ điều kiện mực nước để vận hành.

Ông Lương Văn Anh cũng cho biết, Cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét đề xuất của địa phương, quyết định kế hoạch bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng lúa.

Nông dân san phẳng ruộng để cấy lúa vụ Xuân. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Nông dân san phẳng ruộng để cấy lúa vụ Xuân. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Tuy nhiên, để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Sở báo cáo UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhu cầu lấy nước sau khi kết thúc đợt 2 (nếu cần).

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cần báo cáo UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng khẩn cấp các trạm bơm dã chiến Trung Hà, Liên Mạc. Đồng thời, có kế hoạch đầu tư xây dựng trạm bơm Trung Hà thay thế trạm bơm hiện tại, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước, không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Cục Thủy lợi cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầu tư xây dựng nâng cấp, bổ sung công suất các trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì, bảo đảm chủ động vận hành không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, đáp ứng việc giảm dần/không có các đợt điều tiết bổ sung dòng chảy từ các hồ chứa thủy điện.

Trước đó, sau khi kiểm tra tình hình lấy nước ở Hà Nội và Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã nhấn mạnh, các địa phương tiếp tục duy trì các trạm bơm để đảm bảo lấy đủ nước. Khi vào giai đoạn tưới dưỡng cho cây lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán để các trạm bơm có thể hoạt động lấy nước.

Kết thúc đợt 1, diện tích có nước là 121.942 ha, đạt 24,5% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Trong thời gian giữa đợt 1 và đợt 2, các công trình vùng ảnh hưởng triều vẫn tận dụng được kỳ triều cường Tết Âm lịch (từ ngày 20/1-26/1/2023) để lấy nước tương đối hiệu quả nên diện tích có nước đến trước đợt 2 là 370.470 ha (đạt 74,3%), tăng khoảng 50% so khi kết thúc đợt 1./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ket-thuc-lay-nuoc-vu-dong-xuan-xem-xet-bo-sung-nguon-nuoc-cho-giai-doan-tuoi-duong-lua/280343.html