Kêu gọi đầu tư khai thác khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng

Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng, huyện Hướng Hóa vừa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt với quy mô 170 ha. Đây là cơ sở để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác, phát huy thế mạnh của khu du lịch trong hệ thống liên kết du lịch phía Tây của tỉnh với các tỉnh khác trong khu vực.

Du khách tham quan, trải nghiệm thác Tà Puồng -Ảnh: TÚ LINH

Du khách tham quan, trải nghiệm thác Tà Puồng -Ảnh: TÚ LINH

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, mục tiêu phê duyệt quy hoạch để kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh; kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm nhằm sớm hình thành không gian văn hóa - du lịch với các loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng cường liên kết vùng. Cùng với đó là bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, nhân văn bản địa.

Theo đó, phạm vi quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng gồm: khu vực động Brai ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập và khu vực thác Tà Puồng thuộc thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt. Ranh giới khu du lịch được xác định: phía Bắc giáp bờ Bắc sông Sê Păng Hiêng, suối A Xóc của xã Hướng Lập. Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa bàn xã Hướng Việt và đất rừng Tiểu khu 626, xã Hướng Lập. Phía Đông và Nam giáp đất rừng các Tiểu khu 639A, 639B, 640, xã Hướng Việt.

Đồ án quy hoạch thành 4 phân khu: Phân khu 1 là khu vực du lịch động Brai có diện tích khoảng 46,5 ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng kết hợp giáo dục bảo vệ rừng, du lịch nông trại, khu dân cư, bãi đỗ xe, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu 2 là khu vực du lịch cộng đồng có diện tích khoảng 39,5 ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng và giáo dục bảo vệ rừng, đất giáo dục, đất văn hóa, khu dân cư kết hợp dịch vụ lưu trú homestay.

Phân khu 3 là khu vực du lịch nông trại có diện tích khoảng 24 ha, gồm các không gian dịch vụ, khu tái định cư, du lịch nông trại. Phân khu 4 là khu vực du lịch thác Tà Puồng có diện tích khoảng 60 ha, gồm các không gian dịch vụ, đất giáo dục, khu cắm trại dưới tán rừng, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe kết hợp điểm dừng nghỉ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Về không gian kiến trúc, đồ án yêu cầu đối với khu vực có rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải bảo tồn tuyệt đối cảnh quan sinh thái tự nhiên, chỉ được xây dựng công trình thiết yếu như đường đi dạo tham quan, các điểm dừng chân nghỉ ngơi tại các khu bãi đất, đá trống bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Kiểu dáng, màu sắc kiến trúc phải hài hòa với cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Bảo tồn tối đa địa hình, cảnh quan khu vực, tránh các tác động lớn làm thay đổi, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Đối với khu vực dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí bố trí nằm ngoài phạm vi đất có rừng tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đảm bảo hài hòa giữa không gian phát triển du lịch với không gian sinh hoạt cộng đồng, khai thác và phát triển du lịch cộng đồng. Các công trình được xây dựng đồng nhất về hình thức, mang bản sắc kiến trúc địa phương, kết hợp hài hòa với sân vườn, cảnh quan thiên nhiên, hình thức thiết kế nhẹ nhàng, phong phú và tạo cảm giác gần gũi, thân thiện.

Hiện khu vực được quy hoạch nằm hoàn toàn ở phía Đông của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, có hệ thống giao thông khá thuận lợi, lấy đường Hồ Chí Minh nhánh Tây làm trục chính. Từ trục này có các đường nhánh dẫn đến các điểm chính trong đồ án quy hoạch bằng hệ thống đường mòn, đường bê tông, đường đất. Hệ thống đường khu vực này được quy hoạch có mặt cắt ngang 7m - 13m để thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng.

Theo ông Nguyễn Đức Tân, động Brai và thác Tà Puồng là 2 thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Trị được các chuyên gia đánh giá nằm trong nhóm thác lớn, có hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú. Hệ thống cảnh quan sinh thái khu vực động Brai và thác Tà Puồng hứa hẹn tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khiến các nhà làm tour, tuyến trong và ngoài nước quan tâm.

Việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng nằm trong phạm vi tuyến du lịch trọng điểm đã được quy hoạch phát triển. Đó là tuyến du lịch nội tỉnh hướng Tây Tây Bắc từ Đông Hà - Khe Sanh - Hướng Lập với các điểm đến hấp dẫn nói trên.

Đây là tuyến du lịch đặc biệt quan trọng, hướng tới các trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh theo Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng còn nằm trong tuyến du lịch liên vùng quốc gia trục đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, Brai - Tà Puồng có tiềm năng và triển vọng để phát triển thành khu du lịch đẹp, tầm cỡ khi được đầu tư đúng cách và bài bản.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/keu-goi-dau-tu-khai-thac-khu-du-lich-sinh-thai-brai-ta-puong-185695.htm