Kêu gọi đối thoại, chấm dứt cuộc chiến Ukraine

Hội nghị hòa bình Ukraine tại Lucerne, Thụy Sĩ ngày 15 và 16/6 đã kết thúc với một bản Tuyên bố chung. Tuy nhiên, không như mong đợi ban đầu của Ukraine, hội nghị đã không thể tạo nên áp lực chính trị lên Nga, đồng thời có rất nhiều nước kêu gọi đối thoại để chấm dứt chiến tranh; trong khi một số nước không ký vào tuyên bố chung do không thể chấp nhận ngôn từ trong đó.

Phát biểu vào cuối hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, Tổng thống Ukraine Zelensky hoan nghênh “những bước đầu tiên hướng tới hòa bình” nhưng thừa nhận không phải kết quả tốt đẹp nhất. Ông nói: “Thật không may, có những người vẫn đang cân bằng”. Ông cho biết thông cáo chung cuối cùng vẫn “mở cho tất cả những ai tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc tham gia”.

Khoảng 100 quốc gia đã tham gia hội nghị được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock trên dãy núi Alpine của Thụy Sĩ. Giữa những kỳ vọng khiêm tốn trước sự kiện này, các nhà ngoại giao phương Tây lập luận rằng tầm quan trọng của nó một phần nằm ở những người tham gia. Những người tham dự chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, nhưng cũng bao gồm các quốc gia từ châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Nhưng, Nga không được mời và Trung Quốc quyết định không cử đặc phái viên tới dù có lời mời từ Ukraine. Bắc Kinh không đưa ra lời giải thích nào, nhưng theo giới quan sát Bắc Kinh không tham gia vì cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ không thảo luận điều gì ý nghĩa do thiếu vắng sự tham gia của Nga.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Lucerne, Thụy Sĩ.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Lucerne, Thụy Sĩ.

Ông Zelensky cho biết các bên đã đồng ý làm việc trong các nhóm đặc biệt về “kế hoạch hành động vì hòa bình”, điều mà ông cho rằng sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai.

Tuyên bố chung, văn bản cuối cùng của hội nghị đã được hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế cùng ký, bao gồm 3 tổ chức chính của EU và 27 quốc gia thành viên EU. Tuyên bố nêu rõ Hiến chương Liên hợp quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia “sẽ đóng vai trò là cơ sở để đạt được nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”. Như để khích lệ Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy trì liên kết thương mại chặt chẽ với Nga và luôn tìm cách đóng vai trò kiến tạo hòa bình, cũng ký vào văn bản này.

Thông cáo nhắc lại rằng, “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine cần được tôn trọng trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt chiến tranh vì họ cho rằng “đối thoại giữa tất cả các bên” là cần thiết để có được một giải pháp lâu dài. Thông cáo nêu: “Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên”.

Tuy nhiên, Saudi Arabia, Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Indonesia, Mexico và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có tham gia hội nghị thượng đỉnh nhưng không ký thông cáo cuối cùng. Brazil tham dự với “tư cách quan sát viên” và không tán thành văn bản này.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sẽ cần thời gian để đạt được hòa bình ở Ukraine. “Hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ không phải là một cuộc đàm phán hòa bình” - bà nói.

Trước hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu quân đội Ukraine rời khỏi 4 khu vực phía Đông Ukraine do quân đội Nga kiểm soát một phần. Trong động thái ngoại giao khác, ông cũng cho biết Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nếu Ukraine giữ thế trung lập và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.

Các bên ký kết thông cáo chung tuyên bố rằng những lời đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân là “không thể chấp nhận được”, sau nhiều lần ông Putin lên tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như các cuộc tấn công vào nhà máy năng lượng hạt nhân Zaporizhzhia. Thông cáo kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào các cảng dân sự và tàu buôn của Ukraine, nói rằng an ninh lương thực “không được vũ khí hóa dưới bất kỳ hình thức nào” và kêu gọi thả tất cả tù nhân chiến tranh, trao trả thường dân Ukraine bị giam giữ bất hợp pháp, bao gồm cả trẻ em.

Cũng như mục tiêu khiêm tốn của hội nghị, không có cuộc thảo luận nào về một giải pháp sau chiến tranh sẽ như thế nào hay hy vọng gia nhập NATO của Ukraine. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, người tổ chức sự kiện này, cho biết thực tế là “đại đa số” những người tham gia đã đồng ý với tài liệu cuối cùng “cho thấy những gì ngoại giao có thể đạt được”.

Phát biểu với các phóng viên, ông Zelensky cho rằng tình hình quân sự đã “ổn định” ở Kharkov, khu vực phía Đông Bắc hứng chịu sự bắn phá dữ dội từ các lực lượng tiến công của Nga. “Nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay không phải là mang lại cho Nga thành công trong các hoạt động tấn công ở Kharkov”, ông Zelensky nói.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến dự hội nghị thay cho Tổng thống Biden vắng mặt và chỉ lưu lại hội nghị trong 24 giờ. Ngay trước khi bước vào hội nghị, bà Harris đã công bố gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine trị giá 1,5 tỉ USD. Văn phòng Phó Tổng thống Harris cho biết 1,5 tỉ USD bao gồm 500 triệu USD tài trợ mới cho hỗ trợ năng lượng và chuyển 324 triệu USD trong quỹ đã công bố trước đó sang sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng khẩn cấp và các nhu cầu khác ở Ukraine.

Bà Harris cũng công bố hơn 379 triệu USD hỗ trợ nhân đạo từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để giúp đỡ những người tị nạn và những người khác bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Số tiền này dùng để trang trải hỗ trợ lương thực, dịch vụ y tế, chỗ ở và nước, các dịch vụ vệ sinh và vệ sinh cho hàng triệu người Ukraine.

Khi được hỏi liệu viện trợ quân sự của phương Tây có đủ hay không, ông Zelensky nói: “Có viện trợ. Có những gói nghiêm túc. Có đủ để giành chiến thắng? Không. Có muộn không? Có. Sẽ có sự tăng cường của các gói này không? Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này. Chúng tôi đang làm việc hằng ngày”.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/keu-goi-doi-thoai-cham-dut-cuoc-chien-ukraine-i734755/