'Key word' đầu tư trong năm 2025
Bên cạnh dự báo xu hướng thị trường về khả năng VN-Index sẽ dành lại mốc 1.300 điểm trong tháng 1, các chuyên gia sẽ chỉ ra 'key word' đầu tư cũng như kỷ luật trong chiến lược đầu tư trong năm mới.
Thị trường vừa trải qua một tuần nhiều biến động với có nhịp độ khá thất thường trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên với phiên bùng nổ ngày 25/12, VN-Index đã xóa bỏ lo ngại về một đợt điều chỉnh sâu và đang quay dần trở lại với quỹ đạo ổn định. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động của tuần giao dịch tới, tuần mà giao điểm giữa năm cũ và năm mới 2025?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Theo thống kê giao dịch thì giai đoạn cuối năm và đầu năm mới không chỉ trên TTCK thế giới mà kể cả thị trường CK Việt Nam - tâm lý giao dịch hứng khởi - diễn biến tăng điểm của các chỉ số chứng khoán là chủ đạo. Đừng quên là trong nhiều năm trở lại đây TTCK Việt Nam sau khi biến động ở vùng giá sâu ở tháng 11 đều phục hồi vào tháng 12 và cả tháng 1. Do vậy, VN-Index nhiều khả năng sẽ có diễn biến đi lên từ nay đến tuần đầu tiên của tháng 1 với đà tăng có thể chạm tới khu vực 1,280 - 1,300 điểm.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Mặc dù VN-Index đã tăng khá tốt tuần qua, nhưng tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” lại tái diễn, bên cạnh các nhịp tăng thường khá ngắn ngủi trên thực tế của các cổ phiếu, cho thấy yếu tố tâm lý chung vẫn đang duy trì sự thận trọng.
Đặc biệt khi tâm lý Tết sẽ ngày càng lớn dần trong những ngày sắp tới sẽ là rào cản lớn đối với khả năng chuyển biến tích cực đối với xu thế hiện tại.
Do vậy trong tuần tới, nhiều khả năng xu thế giằng co đi cùng sự phân hóa, hoặc theo dạng bò dần xuống sẽ chiếm ưu thế.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Sự phục hồi nhẹ vào cuối tuần vừa qua có thể là tín hiệu tích cực cho những ngày đầu năm 2025. Thông thường xu hướng chung thị trường những năm trước vào thời điểm giao điểm giữa năm cũ và năm mới thường tích cực với chỉ số VN-Index tăng điểm kéo dài từ một đến hai tuần.
Năm nay, dù các yếu tố chung về vĩ mô tiền tệ không quá lạc quan nhưng có thể kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp khởi sắc tích cực hơn và hướng về mốc kháng cự cũ 1.300.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest
Tôi cho rằng, xu hướng giao dịch tuần tới vẫn tương tự như những tuần qua: Bản chất thị trường là đi ngang, phân hóa. Điểm số không quan trọng mà việc lựa chọn cổ phiếu giao dịch quan trọng hơn.
Có thể thấy, với những tín hiệu suy yếu trong một vài tuần trước đã được cân bằng ngay tại vùng hỗ trợ quan trọng tại 1.250-1.260 điểm. Điều này có tạo nền tảng tốt cho những kỳ vọng hướng tới vùng 1.300 điểm ngay trong tháng 1/2025 không, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Như trao đổi kể trên, cơ hội tiếp tục mở ra với TTCK Việt Nam khi VN-Index có thể hướng lên mốc 1.300 điểm trong tháng 1 chưa loại trừ khả năng có thể biến động tốt hơn. Chỉ số chứng khoán VN-Index kể cả VN30 đã và đang nằm trên các tín hiệu kỹ thuật và việc vượt qua mốc kháng cự 1.280 để vượt lên 1.300 hoặc cao hơn là hoàn toàn khả thi.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhìn một cách tổng quan, diễn biến chính trong suốt thời gian qua là trạng thái giằng co trong biên độ 1.250-1.300 điểm. Ở thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện những tín hiệu đáng kể cho thấy xu hướng có diễn biến mới, và như tôi đã nói ở trên, tháng 1 sẽ chứng kiến lượng tiền rút ra nghỉ Tết không hề nhỏ.
Không loại trừ chỉ số được nâng đỡ để tiếp cận ngưỡng 1.300 điểm, nhưng với thực trạng hiện tại, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” sẽ lại tái diễn và hiệu quả lướt sóng trên thực tế vẫn tiếp tục khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư không nên quá chú trọng vào điểm số.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Thị trường trong vài tuần qua đã ghi nhận tín hiệu dòng tiền quay lại nhiều hơn và các nhịp giảm chỉ kéo dài trong vài nhịp ngắn. Dòng tiền đang có dấu hiệu lan tỏa đều hơn sang các nhóm ngành lớn như nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu ngân hàng là tín hiệu đầu tiên cho thấy dòng tiền đã luân chuyển dần sang nhóm này. Nếu động lực dòng tiền đủ mạnh thì nhóm cổ phiếu trụ lớn như ngân hàng có khả năng dễ dàng kéo chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.300.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest
Thực ra, điều quan trọng là liệu thanh khoản có cải thiện khi chạm mốc 1.300 điểm hay không thì chúng ta mới có sự bứt phá, nhưng gần đây thanh khoản thị trường không có sự ổn định. Cứ sau một vài phiên thanh khoản lớn thị trường lại quay về trạng thái giao dịch cầm chừng và do đó chúng ta thấy điểm số không tạo ra sự bứt phá.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của dòng tiền đầu cơ giai đoạn vừa qua là điểm nhấn đáng chú ý và chúng ta kỳ vọng thị trường có thể thay đổi theo hướng tích cực nhờ dòng tiền đầu cơ đã và đang nhập cuộc giúp đẩy hiệu suất sinh lời cổ phiếu tăng cao hơn.
Năm 2025, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tổng vốn đầu tư công đạt mức kỷ lục 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP. Đây cũng là nhóm ngành thường được kỳ vọng nhiều ở mỗi giai đoạn chuyển giao giữa hai năm. Còn ở thời điểm hiện tại, ông/bà đánh giá như thế nào đối với nhóm cổ phiếu ngành này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Nhóm ngành được nhắc nhiều nhất chính là nhóm xây dựng xây lắp vẫn được kỳ vọng trong khi triển vọng tiềm năng tăng giá thực thế cụ thể là triển vọng doanh thu lợi nhuận của nhóm này lại không cao.
Tất nhiên vẫn có những cổ phiếu hấp dẫn hơn các cổ phiếu khác và nhà đầu tư cũng được khuyến nghị chọn cổ phiếu tiềm năng hơn cả hơn là cả nhóm ngành dựa trên số liệu đánh giá phân tích cụ thể. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép được lưu ý hơn cho triển vọng của năm tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Nhóm cổ phiếu đầu tư công cũng là một lựa chọn hợp lý ở thời điểm cuối năm khi đây thường là giai đoạn vốn giải ngân được gấp rút đẩy mạnh hơn nhằm đảm bảo các kế hoạch đề ra, điều này có thể có tác động tới tâm lý thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Năm 2025 tiếp tục là năm Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công với nhiều dự án lớn kéo dài trong nhiều năm. Đây là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và kích cầu tiêu dùng nội địa.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, các nhóm cổ phiếu như xây dựng, vật liệu có tiềm năng lớn, nhưng cần đánh giá thêm dựa trên các yếu tố như tốc độ giải ngân vốn thường là tín hiệu tích cực cho doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thường gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng hoặc năng lực thực hiện của các nhà thầu, giá nguyên vật liệu đầu vào (như thép, xi măng) có thể biến động, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các công ty thi công và nhà thầu trong việc giành hợp đồng từ các dự án lớn. Vì vậy, cần lựa chọn tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành có chiến lược phát triển bền vững, và khả năng nhận được nhiều gói thầu lớn từ các dự án đầu tư công sẽ được ưu tiên hơn.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest
Key word năm 2025 chúng tôi cho rằng là VIB, CSM, CTD…
Với diễn biến khá tích cực đến từ nhóm Ngân hàng và Chứng khoán, thị trường được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục giữ được độ cao trong tuần giao dịch kế tiếp. Đồng thời áp lực chốt lời ngắn hạn cũng sẽ mở ra cơ hội mua tích lũy tại vùng giá thấp cho các nhóm cổ phiếu tốt và triển vọng tích cực trong quý 1/2025. Nếu để nói về các “key word” đầu tư trong năm 2025, theo ông bà sẽ là những nhóm cổ phiếu nào sẽ có nhiều triển vọng?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Có lẽ vẫn là nhóm tài chính, cảng biển vận tải biển, hóa chất, dầu khí, công nghệ, xây dựng và vật liệu, bất động sản khu công nghiệp vẫn là những cái tên được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Các nhóm cổ phiếu được tôi kỳ vọng sẽ có triển vọng tích cực trong quý đầu năm 2025 sẽ là Bất động sản Khu công nghiệp, Dịch vụ hàng không du lịch, Đầu tư công, Bán lẻ.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện đang ở vùng giá khá hấp dẫn do thời gian tích lũy kéo dài trong thời gian qua. Ngoài ra, một số nhóm ngành khác như bán lẻ, logistic, hóa chất, đầu tư công, công nghệ sẽ là những nhóm ngành mục tiêu ưu tiên giải ngân trong những tháng đầu năm mới. Dĩ nhiên, dòng tiền sẽ chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt chính và những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất.
Chiến lược đầu tư cũng vô cùng quan trọng. Trong năm qua và cũng như nhiều năm trước, rất nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng lãi không bán nhưng khi lỗ sâu thì chạy đua cắt lỗ. Vậy làm thế nào có thể giữ được kỷ luật trong chiến lược đầu tư, theo góc nhìn của ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Ngoài việc quản trị danh mục với sự kỷ luật tránh vượt quá khả năng tài chính của mình thì việc chọn lọc hạn chế số lượng cổ phiếu nắm giữ. Có lẽ 1 từ phù hợp giai đoạn này đó là nếu không nhanh được thì hãy kiên nhẫn. Quan điểm mua và nắm giữ tầm nhìn từ 1 - 3 - 6 - 9 tháng trở lên hay sẽ hiệu quả hơn là chỉ quan tâm đến việc giao dịch theo tuần.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Để có thể tránh được trạng thái bị cuốn theo những biến động ngắn hạn của thị trường thì đòi hỏi nhà đầu tư phải đặt ra chiến lược rõ ràng.
Đối với hoạt động lướt sóng ngắn hạn cần đặt ra các target cụ thể về mức cắt lỗ và chốt lời, và với những nhà đầu tư dài hạn cần hiểu rõ và định giá được giá trị của danh mục đầu tư. Như vậy mới khiến nhà đầu tư tránh được các hành vi mua bán theo cảm xúc nhất thời.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Trạng thái "lãi không bán, lỗ thì cắt" là một tình huống phổ biến trong đầu tư mà rất nhiều nhà đầu tư bị mắc phải. Đây là một cảm xúc là một phần không thể thiếu của đầu tư, vì vậy, việc nhận biết và kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng và có thể nắm vai trò quyết định đến việc đầu tư thành công hay không.
Do đó, để có thể kiểm soát tốt cảm xúc nhà đầu tư cần đặt ra một số nguyên tắc cụ thể như xây dựng một kế hoạch đầu tư rõ ràng và chi tiết, lựa chọn đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Phân tích, nghiên cứu kỹ về thị trường, công ty, rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định đầu tư. Sau cùng là thiết lập rõ mức giá mua vào, bán ra và mức cắt lỗ để tránh bị cảm xúc chi phối.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro như phân bổ danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Cắt lỗ kịp thời một khoản đầu tư thua lỗ. Kiểm soát và luôn chủ động vốn vay margin và tránh bị thiệt hại nặng khi thị trường đi vào downtrend.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest
Kỷ luật đầu tư phải do bản thân tự rèn luyện chứ không thể do ai chỉ dẫn được. Mỗi nhà đầu tư cần học phương pháp đầu tư khác nhau và họ phải rèn kỷ luật theo phương pháp đó. Có người là nhà đầu tư, có người chọn một trường phái giao dịch ngắn hạn như VSA, mô hình con rùa, VCP....
Về cơ bản mỗi kiểu giao dịch có một giới hạn cắt lỗ. Ngoài ra, điều quan trọng chỉ chính bản thân nhà đầu tư mới biết giới hạn cắt lỗ phù hợp với khả năng của bản thân hay mức sịn lời mà bản thân tạo ra. Ví dụ nếu một năm hiệu suất sinh lời bình quân chỉ là 15% thì mức giới hạn cắt lỗ mà là 20% thì đó là phương pháp sai. Một kinh nghiệm thường thấy là các nhà đầu tư khi thua lỗ lớn 20% thường buông xuôi tài khoản và theo tôi đó là sai lầm của họ.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/key-word-dau-tu-trong-nam-2025-post360844.html