KH-CN phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng, khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chiều 16.5, Bộ KH-CN tổ chức Ngày hội Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Việt Nam với chủ đề “KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng” chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam (18.5).

Ngày hội năm nay được tổ chức trong bối cảnh ngành KH-CN tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Nghị quyết xác định phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, điều kiện tiên quyết và thời cơ tốt nhất để Việt Nam bứt phá, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng KH-CN phát biểu khai mạc - Ảnh: BTC

Bộ trưởng KH-CN phát biểu khai mạc - Ảnh: BTC

Những đổi mới mạnh mẽ của Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đang sửa Luật KH-CN thành Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo, để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Tại Ngày hội KH-CN Việt Nam, Bộ trưởng cũng chia sẻ những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng của Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh rằng KH-CN là nền của một quốc gia. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KH-CN phát triển. Chưa hết, KH-CN phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Một trong những thay đổi lớn của Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo mà Bộ trưởng Hùng nhắc tới chính là việc chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ KH-CN, ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cũng đề cập tới nội dung chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học; chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp; cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội.

Đặc biệt, phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu…; chuyển đổi số toàn diện hoạt động KH-CN và quản lý KH-CN.

Câu chuyện của MedCAT được chia sẻ tại ngày hội - Ảnh: T.A

Câu chuyện của MedCAT được chia sẻ tại ngày hội - Ảnh: T.A

Người nông dân sẽ là chiến binh xanh, vì phát triển bền vững

Về phía doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Công nghệ Hachi Việt Nam, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.

Trong hành trình ấy, người nông dân cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức, đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận.

Theo bà Hương, suốt thời gian qua, công ty đã học hỏi mô hình từ các quốc gia phát triển, ứng dụng vào các đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng riêng của Việt Nam. Bằng việc ứng dụng tự động hóa 90%, tích hợp IoT, AI, cảm biến dinh dưỡng và ánh sáng, Hachi đã đưa các công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam.

Bà Hương khẳng định trí tuệ Việt, đổi mới sáng tạo và công nghệ xanh trở thành lực đẩy cho nền nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên 4.0. Mỗi người nông dân không chỉ là người sản xuất, mà là người làm chủ công nghệ, là chiến binh xanh trong trận chiến vì môi trường xanh và phát triển bền vững.

Ứng dụng AI, công nghệ hiện đại

Từ trải nghiệm thực tế, người sáng lập MedCAT giới thiệu MedCAT IDUS - nền tảng số hóa dữ liệu phi cấu trúc, giải pháp tăng tốc chuyển đổi số cho mọi lĩnh vực.

Theo lãnh đạo MedCAT, đây là giải pháp, ứng dụng cho nhiều ngành và tập trung chuyên sâu cho lĩnh vực y tế, bảo hiểm. MedCAT mang tới phương pháp hoàn toàn khác biệt, ứng dụng AI, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn, giúp số hóa, tái cấu trúc mọi dữ liệu.

Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số sâu và rộng tại Việt Nam, MedCAT đã số hóa toàn bộ các dữ liệu bảo hiểm, tiếp tục áp dụng AI và chuyên môn sâu để giải quyết các bài toán tự động hóa hoàn toàn quá trình bảo lãnh thanh toán bảo hiểm con người.

Đại diện MedCAT cho rằng chặng đường phía trước vẫn còn rất dài nhưng hiện nay doanh nghiệp đã thu hút nhiều nhân tài về làm việc. Qua đó, MedCAT quyết tâm xây dựng nền công nghệ lõi đủ tốt.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kh-cn-phai-di-vao-cuoc-song-giai-nhung-bai-toan-lon-cua-quoc-gia-232664.html