Khá giả nhờ cách làm mới

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tốt, cải thiện đáng kể đời sống.

Nuôi chồn hương thu tiền tỷ

Ðam mê nghề chăn nuôi, từng nuôi qua cá, heo rừng, nhưng tất cả đều không phù hợp, sau đó “bén duyên” với nghề nuôi chồn hương; sau 7 năm gầy đàn, giờ đây anh Huỳnh Thanh Hùng, Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau, đã trở thành tỷ phú với trang trại chồn hương rộng hơn 300 m2, có trên 100 con chồn cái giống sinh sản và nhiều chồn thịt.

Trang trại của anh Huỳnh Thanh Hùng hiện có gần 200 con chồn giống và chồn thịt, mang về nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Trang trại của anh Huỳnh Thanh Hùng hiện có gần 200 con chồn giống và chồn thịt, mang về nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Là "tay ngang" nuôi chồn, nhưng nhờ không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên anh Hùng rất “mát tay”, số lượng chồn ngày càng được nhân lên. Chồn sinh sản nhiều, anh đầu tư hơn nửa tỷ đồng để xây dựng và mở rộng chuồng trại. Anh thiết kế chuồng theo kiểu nhà sàn, ở dưới các chuồng là ao nuôi cá. Với cách làm này vừa giúp hạn chế được mùi hôi từ phân và nước thải của chồn, vừa tận dụng phân chồn làm thức ăn nuôi cá. Và khi cá lớn thì bắt làm thức ăn cho chồn.

Từ mô hình này, mỗi năm anh bán chồn giống và chồn thịt mang về nguồn thu hàng tỷ đồng.

Nuôi cua thương phẩm hiệu quả

Xã Phú Hưng, huyện Cái Nước được biết đến là điểm sáng về xây dựng, phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết và đa canh trên vùng đất mặn lợ. Từ những người nông dân chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm đã và đang góp phần làm giàu cho gia đình và xứ sở. Ðiển hình như ông Lê Văn Thặng ở ấp Cái Sắn A, thành công với mô hình nuôi cua thương phẩm trên 1 ha.

Mô hình nuôi cua thương phẩm của ông Lê Văn Thặng đem về nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Mô hình nuôi cua thương phẩm của ông Lê Văn Thặng đem về nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Ông Thặng cho biết, hằng năm gia đình thu hoạch các đợt nuôi cua trúng từ nửa tấn đến 1 tấn, dự đoán năm nay được 1 tấn.

"Trước khi thả cua phải cải tạo đất, diệt cá. Thức ăn chủ yếu của cua là cá phi, 1 tuần cho ăn 2 lần vào buổi chiều hoặc buổi sáng nên cua chắc thịt", ông Thặng chia sẻ.

Ðể bán được giá tốt, ông Thặng bắt cua bán theo thời điểm thị trường có nhu cầu cao như dịp nghỉ lễ 30/4, Tết (có khi bán được giá đến 1 triệu đồng/kg), số lượng khoảng 40-70 kg/đợt. Hằng năm, gia đình thu về vài trăm triệu đồng từ mô hình nuôi cua thương phẩm.

Tiên phong cải tiến cách nuôi tôm

Sau khi tham quan học hỏi mô hình tại tỉnh Bạc Liêu, nhận thấy nuôi tôm theo quy trình tuần hoàn nước có nhiều ưu điểm, đặc biệt là quản lý tốt nguồn nước ao nuôi, hạn chế được các loại bệnh, anh Nguyễn Văn Tới, ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, đã áp dụng, tự rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Anh duy trì thực hiện mô hình này 2 năm nay.

Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước trong ao lót bạt của anh Nguyễn Văn Tới (bìa trái).

Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước trong ao lót bạt của anh Nguyễn Văn Tới (bìa trái).

Anh Tới chia sẻ: “Cách làm là xây bể dài, chia ra khoảng 8-10 ô. Mỗi ô khoảng 3 m2, đặt ống từ dưới đáy lên 30 cm và dùng lưới giăng ngang làm lưới lọc. Khi nước trong đầm bị hụt, nước sẽ tự bơm ngược lại xuyên suốt trong quá trình nuôi... Nước trong bể chảy tuần hoàn đến hết đợt nuôi".

Theo anh Tới, cách nuôi này không tốn chi phí nhiều, mà con tôm cũng không bị bệnh trong suốt quá trình nuôi. Còn phân và vỏ tôm, 2-3 ngày anh vệ sinh 1 lần.

Anh Tới là người đầu tiên thực hiện mô hình này tại xã Việt Thắng. Hiện nay anh đang nuôi 2 đầm tôm, mỗi đầm 2.000 m2. Sau quá trình cải tạo hệ thống ao đầm, anh bắt đầu thả giống với số lượng mỗi ao từ 1.200-1.900 con. “Ðầu tiên bơm nước ngoài sông vào ao lắng để xử lý, sau đó chuyển nước vô ao nuôi. Quá trình nuôi, kết nối với bể lọc, tạo sự tuần hoàn nước. Nuôi tôm theo mô hình này nhẹ chi phí, đỡ tốn tiền thuốc xử lý ao. Hiện giá tôm loại 30 con bán được từ 140-150 ngàn đồng/kg, năm rồi lợi nhuận mỗi đầm trên 250 triệu đồng”, anh Tới cho biết thêm.

Vượt khó khởi nghiệp

Từng khó khăn, nhiều năm liền vợ chồng anh Huỳnh Văn Út, ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, phải đi làm thuê nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng cũng chẳng khá hơn. Quyết tâm vươn lên, vợ chồng anh chọn cơm cháy chà bông làm sản phẩm khởi nghiệp để thoát nghèo. Bên cạnh đó, vợ chồng anh còn làm thêm sản phẩm đậu phộng rang bơ.

Kiên trì, chịu khó, vợ chồng anh Huỳnh Văn Út thành công với sản phẩm cơm cháy chà bông và đậu phộng rang bơ, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Kiên trì, chịu khó, vợ chồng anh Huỳnh Văn Út thành công với sản phẩm cơm cháy chà bông và đậu phộng rang bơ, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Ðến nay, 2 sản phẩm cơm cháy chà bông và đậu phộng rang bơ do cơ sở gia đình anh Út làm ra được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh cải thiện tốt hơn.

Anh Út chia sẻ: “Qua tìm hiểu trên sách báo, cũng có mua về ăn thử, chúng tôi quyết định chọn nghề làm cơm cháy chà bông. Lúc đầu nhiều mẻ bị hư, cũng rất nản. Song, chúng tôi quyết tâm làm đến cùng, từ đó chỉn chu từng công đoạn, dần dần thành công... Cơ sở cũng nhận một số người hoàn cảnh khó khăn vào làm, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình”./.

Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kha-gia-nho-cach-lam-moi-a33580.html