Khả năng gỡ thẻ vàng IUU vẫn đang 'bỏ ngỏ'

Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc đợt kiểm tra về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) song khả năng gỡ thẻ vàng vẫn đang bỏ ngỏ.

Chuyển biến tích cực nhưng còn vi phạm

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, qua đợt kiểm tra lần thứ 3 từ ngày 19.10 - 28.10, Đoàn thanh tra của EC tiếp tục ghi nhận quyết tâm chính trị của Việt Nam về chống khai thác IUU và đánh giá tình hình có nhiều diễn biến tích cực hơn so với lần thanh tra thực tế vào năm 2019.

Địa phương được phái đoàn trực tiếp thanh tra là tỉnh Khánh Hòa cơ bản thực hiện tốt, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ cho công tác thanh tra của đoàn. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO (Hiệp định PSAM) tại Cảng quốc tế Cam Ranh triển khai thực hiện có nhiều tiến bộ so với trước...

Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của Việt Nam. Đó là vẫn còn vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài (tính đến thời điểm thanh tra, năm 2022 có 73 tàu vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý). Công tác thực hiện quy định của Hiệp định PSMA còn hạn chế trong việc kiểm soát, thẩm tra, đối chiếu thông tin đối với tàu khai thác của nước ngoài. Chưa kiểm soát được sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu container cũng như chưa chứng minh được kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài EU. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại địa phương còn rất yếu kém; đặc biệt là hành vi vi phạm mất kết nối VMS (camera) khi hoạt động khai thác trên biển rất nhiều, nhưng kết quả điều tra, xử lý rất ít. Chưa cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản.

Do đó, EC tiếp tục đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam thực hiện. Dự kiến trong thời gian 6 tháng, đoàn công tác sẽ tiếp tục có chuyến kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Quyết tâm gỡ thẻ vàng

Kiên định với mục tiêu gỡ thẻ vàng, không để lên thẻ đỏ, hướng tới xuất khẩu thủy sản bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai những khuyến nghị của EC.

Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ hàng loạt giải pháp. Cụ thể là chỉ đạo điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp trên địa bàn nếu để xảy ra vi phạm liên quan đến các lô hàng xuất khẩu vi phạm IUU. Tăng cường phối hợp giữa các bộ và địa phương trong việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Đặc biệt, Bộ Tài chính có giải pháp, tăng cường nguồn lực để kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng container bảo đảm không vi phạm IUU.

Cùng với đó, Bộ kiến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý bảo đảm hiệu lực hiệu quả theo khuyến nghị của EC; giaoBộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi, kiểm soát việc thực thi pháp luật về chống khai thác IUU thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, tình trạng thẻ vàng kéo dài sẽ tác động không nhỏ tới hình ảnh, uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản trên trường quốc tế. Để nhanh chóng gỡ thẻ vàng, ông cho rằng cần nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng các ranh giới biển trên biển Đông. Chính phủ cần xây dựng các phương án, đưa ra những kịch bản khác nhau phù hợp thực tế từng vùng biển, để ngư dân chủ động ứng xử.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc đàm phán hoạch định vùng với các nước liên quan, để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời, hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên. Sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế biển. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần phản ứng kịp thời để đấu tranh thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/kha-nang-go-the-vang-iuu-van-dang-bo-ngo-i306704/